Ăn cơm đúng giờ cũng… được trả tiền
Một người bạn thân của tôi mới vài hôm trước than phiền “lũ trẻ con bây giờ chẳng biết thế nào mà thực dụng đến mức chạnh lòng”. Cô ấy đang kinh doanh một tiệm thời trang, có hôm nhờ đứa em trai 19 tuổi canh giúp vài ba tiếng vì có công việc riêng cũng bị cu cậu một, hai kỳ kèo trả giá với chị “phải trả tiền mới giúp”. Ngay cả khi chị hai xuống nước nhỏ, cu cậu cũng dửng dưng. “Tao tức muốn khóc với thằng em chi li từng đồng với chị. Vài ba chục ngàn đồng không phải số tiền lớn nhưng khi khó khăn nhờ em út trong nhà giúp đỡ canh tiệm giùm mà nó kỳ kèo ra giá, thấy chạnh lòng ghê gớm” - đứa bạn tâm sự.
Đó chưa phải là trường hợp hiếm hoi về việc “trả giá” với người thân. Một cô bé vừa học xong phổ thông tại một trường danh giá ở TP.HCM khoe rằng mỗi tháng cô bé được cha mẹ “trả lương” 3 triệu đồng vì cô bé giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày. “Tháng nào cha mẹ bận hơn, nhiều việc hơn thì em còn được… tăng lương” - cô bé tủm tỉm cười và chia sẻ với ánh mắt đầy tự hào trước sự ngỡ ngàng của tôi.
Một thực trạng chung hiện nay là nhiều phụ huynh hoặc chủ động đề xuất, hoặc bị động chấp nhận “hợp đồng làm ăn” từ con em mình để “làm giùm cha mẹ” bất kỳ một công việc nào đó, không ngoại trừ lau nhà, rửa chén, chăm em. “Cười ra nước mắt” khi thấy những đứa trẻ rủng rỉnh nhận tiền từ cha mẹ vì dọn dẹp đồ chơi do chính tay chúng làm bừa bộn, ăn cơm đúng giờ, không chơi games, học bài đầy đủ,…
Con trẻ đòi hỏi hay cha mẹ “ích kỷ”?
Tôi nhớ ngày còn bé, hằng đêm mẹ tôi thường dạy các con về giá trị của gia đình. Ban đầu bà kể chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích và nói cho chúng tôi những bài học phía sau các nhân vật chăm chỉ, trách nhiệm với gia đình như cô bé Lọ lem chẳng hạn. Cha tôi thì rắn rỏi hơn, ông kể chúng tôi nghe về những ngày ông rong rả hàng chục cây số để đi làm thuê phụ bà nội chăm ông bị ốm. Rồi cha mẹ tôi dạy chúng tôi cách lau nhà, rửa chén, nấu cơm (dù chúng tôi đều là con trai); khen chúng tôi lau nhà sạch, nấu cơm ngon, chén bát thơm tho. Thi thoảng cha mẹ mua cho vài túi chè hay túi bánh chúng tôi thích, thế cũng đủ tự hào.
Có những khi chúng tôi nhìn đám bạn được cha mẹ “chi đậm” dù chúng bạn học không giỏi bằng mình, về nhà buồn hiu, có ý so bì để cha mẹ mua cho vài ba món đồ chơi đắt tiền. Trẻ con mà, thích nhắc đi nhắc lại, hết năn nỉ thì lại giận hờn bỏ ăn. Mẹ tôi giải thích: “Con học giỏi, cha mẹ vui, cha mẹ thấy khỏe và làm việc tốt hơn để có tiền cho con học những năm tới. Sao con lại ra giá với cha mẹ, khi cha mẹ vẫn chi trả rất nhiều thứ tiền để con được đến lớp với bạn bè. Ngày xưa ông bà nội, ngoại nghèo đến mức cha mẹ không được đến lớp nên phải làm rẫy cực khổ mưu sinh. Các con may mắn được đến lớp, vậy nên cố gắng học cho mình. Cha mẹ không thể sống đời sống kiếp với con”. Nghe vậy chúng tôi cũng ậm ừ nhưng ấm ức.
Tôi chẳng còn nhớ chúng tôi đã tìm cách vòi vĩnh kiểu như thế bao nhiêu lần nhưng mẹ tôi nhẫn nại giải thích cho đến khi chúng tôi vào trung học, vào đại học, đi làm và nhận thức được giá trị của việc học hành tử tế. Cha của tôi thì nóng tính hơn, khuyên một hai lần, lần thứ ba là ra tối hậu thư “con còn ra giá với cha mẹ thì sẽ bị phạt”. Cha tôi có một cây roi, dù ít dùng nhưng hễ đánh vào mông là thấm da thấm thịt. Nhìn mẹ xuýt xoa thoa dầu lằn roi mà rưng rưng xót ruột, chúng tôi dần nhận thức giới hạn của bản thân về những đòi hỏi của mình.
Chẳng biết cha mẹ tôi hao tâm tổn trí đến mức nào nhưng để có những cử nhân, kỹ sư như chúng tôi ngày nay, họ đã thật sự rất kiên nhẫn: học cùng con, làm cùng con, vui chơi cùng con, tâm sự cùng con. Chúng tôi lớn lên với những câu chuyện đầy giá trị nhân văn, những lằn roi hiếm hoi nhưng thấm thía giá trị của gia đình.
Nhiều cha mẹ ngày nay thiếu những câu chuyện cổ tích, thiếu những đêm nằm tâm sự với con, thiếu những ngày Chủ nhật cùng con lau nhà rửa chén, thậm chí thiếu luôn cả những “lằn roi ngọt ngào” để con mình đủ can đảm bước vào đời. Thương trường được giải quyết bằng tiền và trớ trêu thay, nhiều phụ huynh ứng xử với gia đình cũng bằng cách tương tự. Và rồi họ vô tình bơm vào đầu những đứa trẻ thứ suy nghĩ “mọi thứ mua bằng tiền”, làm chúng quên luôn giá trị của tình cảm lẫn trách nhiệm của bản thân với những người thân yêu.
“Bán-mua” với con đến bao giờ?
Nhiều sinh viên của tôi kỳ công chuẩn bị sinh nhật cho người yêu của mình, thậm chí nhịn ăn nhịn mặc để làm buổi sinh nhật lãng mạn và hấp dẫn nhất. Nhưng đến khi tôi hỏi: “Em có nhớ sinh nhật hay làm những điều ý nghĩa tương tự cho ngày sinh của cha mẹ mình không?”, nhiều em ái ngại cúi đầu, có em rơi nước mắt vì chợt nhận ra bấy lâu nay chúng vô tình đến nỗi vô tâm.
Một số em sinh viên làm gia sư, kiên trì dạy cho một đứa trẻ cứng đầu và lười biếng suốt nhiều năm, để nhận những đồng lương ít ỏi. Tôi hỏi: “Các em có bao giờ kiên trì như thế với em út trong nhà như vậy không?”, các em cười chua chát. Có em hẹn tôi cà phê, rồi nhấp ngụm nước lấy can đảm nói với tôi: “Cám ơn thầy, quả thật em thiếu kiên trì với những đứa em của mình. Chưa ai dạy em cách kiên trì với những người thương yêu, để rồi em phải học lấy bài học “kiên trì để có được đồng tiền” từ một cuộc sống xô bồ ở chốn Sài Gòn”.
Người Việt chúng ta thường dạy con “giá cả”, chứ ít ai dạy con về “giá trị” của những công việc xung quanh mình. Thế nên khi áp lực cơm áo gạo tiền, khi cuộc sống ngày càng có nhiều việc để làm, nhiều phụ huynh “chuyển việc cho con” theo cái kiểu kinh tế thị trường mà quên rằng đồng tiền không thể dạy cho chúng giá trị của trách nhiệm, giá trị của gia đình.
Tôi chẳng biết đến khi họ về già, mắt kém chân run, chẳng còn làm ra được tiền được nữa thì họ lấy đâu ra tiền để “nhờ con lấy cặp kính lão giúp cha, đưa gậy chống lưng giúp mẹ”? Chẳng biết những đứa trẻ sẽ chăm sóc cha mẹ chúng bằng tình thương yêu, sự kiên nhẫn, trách nhiệm gia đình như những câu chuyện cổ tích chúng từng được nghe khi còn bé; hay chúng cũng nhờ ai đó chăm sóc cha mẹ hộ mình theo cái kiểu bán-mua?