Khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM (thuộc ĐH Sư Phạm TP.HCM) tại 20 trường THPT ở 12 quận/huyện của TP.HCM với 1.800 phiếu, trong đó có 12 trường công lập và tám trường ngoài công lập đã cho một kết quả khá buồn.
Theo khảo sát này, có đến 57,4% học sinh (HS) thiếu hiểu biết về lịch sử và truyền thống đạo lý dân tộc; 57,3% HS thiếu hiểu biết về Hiến pháp và pháp luật; 49,8 % HS không thích học các môn khoa học xã hội; 42,5 % thiếu tôn trọng thầy cô giáo và nói xấu thầy cô; 42,9% HS thiếu ý thức trách nhiệm công dân, không tự giác chấp hành pháp luật.
Đặc biệt, khảo sát cho thấy 34,8% HS lười làm việc và không biết làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ; 46,8% HS sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất và chọn nghề kiếm được nhiều tiền; 37,6% các em sống thiếu nhân ái, vô cảm.
Trong bài báo “Cha mẹ 'úm' quá kỹ, con không biết sẻ chia?” trên Pháp Luật TP.HCM cũng cho thấy một thực trạng ngổn ngang, sự thực dụng nảy sinh từ những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới. Bài báo đề cập đến câu hỏi được thầy quản trò đặt ra cho 50 HS từ tiểu học đến THCS tại TP.HCM trong một buổi tập huấn giáo dục tài chính, rằng “Em hãy kể về lần kiếm được tiền đầu tiên của em?”. Nhiều em hồ hởi khoe đã kiếm được tiền từ cha mẹ như thế nào. Và đứa trẻ nào nghe thấy những “cách kiếm tiền” từ cha mẹ cũng thích, cũng vui, cũng tán thưởng.
Nếu như cách đây nhiều năm, cha mẹ thường “treo thưởng” cho con em của mình những món đồ chơi hay những chuyến du lịch chỉ khi con em đạt học sinh khá, học sinh giỏi thì giờ đây nhiều phụ huynh sẵn sàng “làm ăn” hay “mua-bán” với con cái của mình một cách “sòng phẳng”, chỉ cần những đứa trẻ không làm cha mẹ chúng tốn thời gian để lo lắng và suy nghĩ.
Vì sao lại có thực trạng đáng buồn như trên? Pháp Luật TP.HCM rất mong nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Bạn đọc có thể gửi ý kiến trong phần Ý kiến bạn đọc bên dưới bài viết này.