Kaly Band biểu diễn ca khúc Em Đẹp Như Hoa PơLang
Những khán giả theo dõi chương trình Ban nhạc Việt mùa 2 đang phát sóng vào 21 giờ 15 tối Chủ nhật hằng tuần trên VTV3 hầu hết đều ngạc nhiên và hứng thú với Kaly Band.
Những nhịp chân đất trên sân khấu
Hứng thú bởi họ là ban nhạc Bahnar duy nhất cho đến hiện nay tồn tại với trên dưới 100 thành viên. Khi tham gia Ban nhạc Việt, nhóm cũng đã tự giảm bớt người chơi, giữ còn khoảng 30 thành viên để đứng… đủ trên sân khấu.
Từ ngày đầu bước vào sân chơi Ban nhạc Việt, tâm niệm của Kaly Band vẫn là được ra sân khấu lớn, được biểu diễn, không quan trọng chuyện thắng hay thua. Và hơn cả, “để làm sao người dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng hãy tự hào về âm nhạc dân gian của mình. Đó là âm nhạc có thể chơi trên sân khấu lớn, kết hợp được âm nhạc hiện đại, chơi được nhạc quốc tế… chứ không chỉ âm nhạc để đánh giữa nương rẫy đuổi muông thú, cho mùa màng bội thu…” - anh Kaly Tran, trưởng nhóm Kaly Band, chia sẻ.
Có thể nói cho đến mùa này, Ban nhạc Việt mới có một ban nhạc đi bằng chân đất thật sự. Chân đất ngoài nghĩa họ bước ra sân khấu với đôi chân trần, với ngôn ngữ âm nhạc họ quen thuộc trong lễ hội Puh Hơ Drih mong mưa thuận gió hòa, người người thương nhau, mùa màng tốt tươi… Chân đất còn mang nghĩa họ không trưng trổ gì bởi tất cả thành viên là của 10 gia đình tụ tập, sau giờ chơi nhạc họ lại là những nông dân chân lấm tay bùn. Chân đất bước trên sân khấu, đi được tới đâu vui tới đó, cứ hát, chơi nhạc…, càng nhiều người biết đến âm nhạc dân gian Bahnar thì càng vui.
Kaly Band là một điểm nhấn đặc sắc trong chương trình Ban nhạc Việt mùa 2. Ảnh: Bình Minh Media
Thay piano bằng nhạc cụ dân tộc trong nhà thờ
Tên ban nhạc Kaly Band cũng là tên của trưởng nhóm nhạc, anh Kaly Tran. Vốn là người Bahnar, lại là thành viên ca đoàn giáo xứ chính tòa Kon Tum (nhà thờ Gỗ), từ nhỏ anh Kaly luôn muốn đưa những nhạc cụ của dân tộc mình vào âm nhạc. Anh lặn lội xuống Sài Gòn học trung cấp đàn T’rưng, học ĐH Sư phạm âm nhạc… Trở lại buôn làng vẫn với tấm lòng làm sao đưa được âm nhạc buôn làng trở lại với chính buôn làng. “Những năm 2005-2006, những nhạc cụ mà Kaly Band chơi hiện giờ hầu như mọi người không còn chơi nữa. Ngoài cồng chiêng, T’rưng xuất hiện trong các lễ hội thì các loại nhạc cụ như Đing But, Ching Gong, Brõ Ot, Tãh Tơng Kram, Đinh Klơk, Ting Ning, Rong Roih, Hơ Gơr… hầu như không còn ai chơi, cũng không còn ai chế tác những nhạc cụ này” - anh Kaly kể.
Từ đó anh mày mò tự nghiên cứu tìm cách làm lại các nhạc cụ đó, dần dần đưa vào thánh lễ ở các giáo xứ. “Trong thánh lễ có bộ lễ bằng tiếng Bahnar nên ngoài việc hát bằng tiếng dân tộc mình thì tôi cũng bắt đầu chơi những nhạc cụ của người Bahnar. Khoảng năm 2008-2009, tôi đánh solo đàn T’rưng với các nhạc cụ điện tử. Khoảng từ 2015, khi các anh em tham gia, tôi dựng nhiều bản nhạc trong thánh lễ sử dụng ban nhạc với âm nhạc dân gian nhiều hơn. Làm sao để chính người mình phải thích, tự hào âm nhạc buôn làng mình, sau đó mới mở rộng và phát triển được” - anh Kaly khẳng định.
Kaly Band vẫn đang tiếp tục khẳng định mình ở Ban nhạc Việt với những bản nhạc hiện đại được nhạc sĩ Đức Trí cùng Kaly Band hòa âm mới, cũng như họ đang miệt mài với con đường đưa âm nhạc dân gian đến gần hơn với công chúng Việt Nam và quốc tế.
“Cái khó của Kaly Band ở đời thường chính là thiếu những người tâm huyết, đủ chuyên môn như nhạc sĩ Đức Trí đang giúp ban nhạc ở Ban nhạc Việt. Nếu có thêm những sự giúp sức về chuyên môn thì âm nhạc dân gian Tây Nguyên mới có những đường hướng phát triển. Bởi âm nhạc dân gian chúng tôi hoàn toàn kết hợp được những bản phối nhạc hiện đại, nhạc cụ Tây Nguyên vẫn diễn được những bản nhạc Tây phương… Nếu có trợ lực như thế, tôi nghĩ âm nhạc dân gian sẽ còn phát triển, kết hợp nhạc hiện đại lẫn quốc tế chứ không phải ngày càng mai một như hiện nay” - anh Kaly Tran chia sẻ.
Tự mày mò chế tác lại nhạc cụ Ban nhạc Kaly hiện có thành viên nhỏ nhất là Kaly Saryo, 7,5 tuổi, con trai anh Kaly và lớn nhất là anh của anh Kaly, năm nay 60 tuổi. Kaly ngoài vai trò là người dẫn dắt nhóm, anh cũng là người mày mò tìm hiểu chế tạo và phục hồi lại những nhạc cụ sắp mất của người Bahnar. |