Sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Metro Cash & Carry, Big C, Lotte, Parkson ngày càng tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt trong hệ thống phân phối Việt Nam. Thế nhưng dường như việc chưa hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực bán lẻ đang vô tình tiếp tay cho các nhà đầu tư ngoại có cơ hội bành trướng, làm giảm sức cạnh tranh của DN bán lẻ nội địa.
Nhập nhằng phân biệt giá sỉ - giá lẻ
Nghị định 23/2007 quy định về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của DN có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Thương mại định nghĩa: Bán sỉ là hoạt động bán hàng cho thương nhân, tổ chức khác, không bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Bán lẻ mới là hoạt động bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, quy định này đang thể hiện nhiều điểm chưa rõ ràng trên thực tế.
Trong vai khách hàng, chúng tôi thử đến Metro An Phú (quận 2, TP.HCM), một trung tâm bán sỉ của Metro Cash & Carry (Metro), để mua sắm. Khi nghe trình bày “không có thẻ hội viên nhưng rất muốn vào mua sắm” thì nhân viên ở đây cho biết “có thể đi kèm một người có thẻ hội viên”. Không tìm được người có thẻ để “ghép đôi” nhưng cuối cùng chúng tôi cũng vào được và chọn vài món hàng lẻ (một chai dầu ăn Neptune 5 lít, một chiếc quần short) đem ra quầy thanh toán. Điều bất ngờ là hai món hàng này vẫn được tính tiền bình thường, nhân viên không cần biết khách có thẻ hội viên hay không hoặc có đi chung với ai có thẻ không. Đặc biệt, hóa đơn chúng tôi nhận có thông tin “trên trời rơi xuống”: Chủ thẻ Rajesh Dwivedi, mã số thuế 1111111111…
Bán sỉ mà khuyến mãi thì nhà bán lẻ nào cạnh tranh nổi. Ảnh: T.PHƯƠNG
Chị Nguyễn Nhã Phương (phố Trần Khát Chân, Hà Nội) cũng gặp trường hợp tương tự. Theo chị, trước đây muốn vào Metro Hoàng Mai (Hà Nội) mua hàng phải có thẻ hội viên. Còn dạo gần đây chị có thể vào mua mà không cần thẻ. “Nhân viên hướng dẫn bảo không cần đăng ký thẻ thành viên nếu chỉ mua một ít đồ. Sau khi chọn hàng và tới quầy thanh toán, nhân viên thu ngân hỏi tôi có thẻ Metro không, tôi trả lời không và nói chỉ mua lẻ thì họ không nói gì nữa rồi tính tiền kèm hóa đơn VAT” - chị kể. Về nhà xem lại, chị Phương mới “tá hỏa” khi thấy thông tin trên hóa đơn là Nguyễn Hồng Trang từ Công ty Lương thực TP.HCM - Chi nhánh Hà Nội, mã số thẻ 14113355, mã số thuế 0300559xxx.
Theo quan sát của chúng tôi, rất dễ nhận thấy các biển quảng cáo hướng dẫn của Metro thời gian gần đây mang nội dung “bán lẻ” như “Giảm giá còn…”, “Mua 1 tặng 1...”. Một nhân viên của Metro cho biết hầu hết là giá bán lẻ. Ở Metro Hoàng Mai, sản phẩm bán theo lô (kiểu bán sỉ) chủ yếu là mặt hàng thiết yếu mà khách hàng cá nhân hay mua lẻ như lô ba gói bánh Oreo, lô hai chai tương ớt Trung Thành… Tóm lại, rất khó phân biệt được đâu là giá bán lẻ, đâu là giá bán sỉ.
Không bất ngờ!
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, không tỏ ra bất ngờ với nghi vấn Metro có kinh doanh bán lẻ hàng hóa. “Chuyện Metro kết hợp bán sỉ, bán lẻ đã diễn ra từ lâu nhưng chưa cơ quan quản lý nào kiểm tra, xác minh theo giấy phép kinh doanh. Nhiều lần tôi vào trung tâm của họ quan sát, hầu hết các mặt hàng đều sắp xếp cho bán lẻ, ra vào cũng không cần thẻ hội viên, thậm chí một số mặt hàng DN bán sỉ không được phép bán (như đường mía) vẫn xuất hiện” - ông Phú cho biết.
Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) xác nhận theo đăng ký kinh doanh, Metro chỉ được phép bán sỉ. Tuy nhiên, trên thực tế Metro đang hoạt động cả bán buôn lẫn bán lẻ, thông qua hình thức thẻ hội viên khách hàng vẫn có thể mua hàng lẻ. Nhiều lần Ban Bảo người vệ tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh) đã đến kiểm tra hoạt động và đề nghị Metro giải trình phương thức kinh doanh nhưng việc xác minh là bán sỉ hay bán lẻ vẫn rất khó. Thêm vào đó, Metro hoạt động theo mô hình DN có vốn đầu tư nước ngoài nên việc cấp phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương nơi họ đăng ký đặt trụ sở thực hiện.
Khi chúng tôi liên hệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM lại cho biết giấy phép đầu tư đầu tiên của Metro là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp nên không biết có cho phép bán lẻ hay không?
Càng lỗ càng… mở rộng kinh doanh
Nhiều năm qua, Metro báo cáo con số lỗ lên đến gần cả ngàn tỉ đồng. Dù báo cáo lỗ liên tục, Metro vẫn ồ ạt mở chi nhánh. Chi nhánh mới khai trương tại phường Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội) là trung tâm bán sỉ thứ 19 của Metro tại Việt Nam.
Theo một số DN bán lẻ trong nước, các nhà kinh doanh nước ngoài thường có nhiều chiêu lách luật như “nhượng quyền” thương hiệu cho một DN trong nước nhưng tên trên bảng hiệu vẫn là của họ… Bên cạnh đó, không thể áp dụng Quy chế ENT của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để kiểm tra nhu cầu kinh tế của DN muốn mở chi nhánh. Quy chế này chỉ hiệu quả với điều kiện quốc gia đó có mạng lưới bán lẻ được quy hoạch chi tiết trong khi mạng lưới quy hoạch của Việt Nam chưa đồng bộ ở các khu vực, tỉnh, thành (Hiệp hội Bán lẻ đang trình Bộ Công Thương công văn về quy hoạch mạng lưới bán lẻ).
“Việc dùng thủ thuật để trốn thuế là vấn đề quan trọng nhất trong quản lý các siêu thị, trung tâm mua sắm. Ngành thuế cần công khai số liệu của các đơn vị này bởi cuộc chơi trên thương trường cần có sự sòng phẳng, minh bạch” - người đứng đầu Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh.
Chế tài nằm trong tầm tay Nếu khách hàng không có thẻ hội viên mà Metro vẫn tính tiền như vậy là sai. Có thể họ lách luật bằng cách lấy thông tin thẻ của một DN khác đưa vào hóa đơn, xem như DN đó mua hàng chứ không phải khách lẻ. Một điều chắc chắn là ai mua thì phải xuất hóa đơn cho người đó, không được bán cho người này xuất cho người kia. Việc chế tài đối với trường hợp vi phạm này là trong tầm tay của cơ quan nhà nước bởi đã có nghị định xử phạt hành chính khi kinh doanh ngoài ngành, xuất hóa đơn không đúng cho người mua thì có nghị định xử phạt về kế toán… Luật sư PHẠM THÀNH LONG, Trưởng văn phòng Luật sư |
TÚ UYÊN - TRÀ PHƯƠNG