Tháng 4-2013, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản đã tuyên buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn Dững có nghĩa vụ trả nợ cho vợ chồng ông Phan Hiệp Thông hơn 500 triệu đồng.
Lý giải của thi hành án
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Tây Ninh tổ chức thi hành bản án. Quá trình tổ chức THA, vợ chồng ông Dững chỉ trả được hơn 100 triệu đồng nên Chi cục THADS TP Tây Ninh đã kê biên hơn 440 m2 đất và nhà trên đất của vợ chồng ông và thẩm định giá hơn 1,1 tỉ đồng. Đến năm 2014 thì vợ ông Dững mất.
Sau 13 lần giảm giá, giá nhà và đất của vợ chồng ông Dững chỉ còn chưa đầy 600 triệu đồng. Lúc này, người được THA là ông Thông có đơn xin nhận lại toàn bộ giá trị tài sản của ông Dững để khấu trừ nợ và được THA chấp nhận. Năm 2016, Chi cục THADS TP Tây Ninh ra quyết định cưỡng chế và thông báo cưỡng chế giao tài sản cho ông Thông. Nhưng hai năm nay chi cục vẫn chưa xử lý xong vụ việc.
Đến năm 2018, anh Nguyễn Phước Vinh (con trai của ông Dững) khiếu nại cho rằng mẹ anh mất năm 2014 là đã phát sinh nghĩa vụ thừa kế. Tuy nhiên, khi xử lý tài sản, chấp hành viên không thông báo cho anh cùng bốn anh chị em của anh để trả nợ thay cho mẹ. Vì thế, việc chấp hành viên ra quyết định giao nhà cho ông Thông là chưa chính xác.
Đơn khiếu nại của anh Vinh bị Chi cục THADS TP Tây Ninh từ chối thụ lý vì lý do: “Hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của anh Vinh”. Anh Vinh tiếp tục khiếu nại lên Cục THADS tỉnh thì cơ quan này cũng bác với lý do: “Anh Vinh không có quyền và nghĩa vụ liên quan tới bản án của TAND tỉnh Tây Ninh”.
Trong khi anh Vinh cho biết căn nhà trên là do ông bà để lại và anh em anh Vinh có điều kiện kinh tế để trả nợ, giữ lại căn nhà để làm nơi thờ cúng. Do khiếu nại không được nên mới đây anh Vinh đã khởi kiện người cha, yêu cầu chia di sản thừa kế và đã được tòa thụ lý giải quyết.
Để làm rõ lý do vì sao không thông báo cho anh Vinh và các thừa kế biết để chuyển giao quyền và nghĩa vụ THA, Pháp Luật TP.HCMđã liên hệ với cơ quan THADS. Trao đổi với PV, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tây Ninh Trần Văn Cưng cho biết: “Tại thời điểm xử lý kê biên, thẩm định giá, vợ ông Dững còn sống, sau lần giảm giá thứ năm bà ấy mới chết. Việc phát sinh ra thừa kế thì anh Vinh chẳng biết được quyền và nghĩa vụ của mình…”.
Sau đó, ông Cưng lại bảo trong hồ sơ có thể hiện anh Vinh biết được quyền và nghĩa vụ của mình. Nhưng khi PV yêu cầu cung cấp chứng cứ chứng minh cho ý kiến này thì lãnh đạo cơ quan này chưa cung cấp được. Cũng theo ông Cưng, hiện nay tòa đã thụ lý vụ án tranh chấp thừa kế nên cơ quan THA sẽ tạm dừng THA để có hướng xử lý tiếp theo.
Căn nhà là tài sản dùng để thi hành án liên quan đến vụ việc. Ảnh: NGÂN NGA
Thi hành án đã làm sai?
Theo cục trưởng Cục THADS của một tỉnh (đề nghị không nêu tên), quá trình tổ chức THA, vợ ông Nguyễn Văn Dững qua đời thì chấp hành viên phải áp dụng Điều 54 Luật THADS (chuyển giao quyền và nghĩa vụ THA): “Trường hợp người phải THA là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ THA được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế”.
Tức là dù cho tài sản đã bị kê biên, đem ra đấu giá nhưng chấp hành viên vẫn phải đi xác minh hàng thừa kế thứ nhất của vợ ông Dững (gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) để thông báo cho họ biết quyền và nghĩa vụ của mình.
“Biết đâu những người thừa kế này họ có tiền nộp thay cho nghĩa vụ của người đã mất để giữ lại tài sản thì sao. Cho nên Chi cục và Cục THADS tỉnh cho rằng những người thừa kế không liên quan tới bản án để không thông báo cho họ biết là không đúng. Bởi người phải THA qua đời trong giai đoạn THA chứ không phải giai đoạn tòa xét xử” - vị cục trưởng này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo vị cục trưởng này, do các con của người phải THA đang khởi kiện ra tòa án chia thừa kế nên mọi việc phải chờ kết quả xét xử của tòa. Khi có bản án của tòa thì THA căn cứ vào đây để có hướng xử lý tiếp theo. Vì vậy, trong trường hợp này, cơ quan THA phải ra quyết định hoãn THA do tài sản kê biên có tranh chấp.
Cấp dưới nói chấp hành viên sai, cấp trên bảo đúng Trở lại việc mâu thuẫn quan điểm giữa Chi cục và Cục THA nêu ở trên. Năm 2016, Chi cục có quyết định cưỡng chế giao toàn bộ căn nhà và đất cho ông Thông để khấu trừ nợ. Nhưng một năm sau, Chi cục THADS TP Tây Ninh báo cáo lên Cục THADS tỉnh Tây Ninh rằng: “Do chấp hành viên xử lý chưa phù hợp với khoản 3 Điều 17a Nghị định 125/CP hướng dẫn thi hành Luật THADS 2008 và Điều 104 của Luật THADS được sửa đổi, bổ sung 2014 nên việc cưỡng chế giao tài sản cho vợ chồng ông Phan Hiệp Thông không thực hiện được mà phải tiến hành thẩm định giá tài sản để xử lý lại”. Cụ thể, trong quá trình tác nghiệp của chấp hành viên, ông Thông yêu cầu không thỏa thuận tỉ lệ % mức giảm giá tài sản với ông Dững nên chấp hành viên không ra thông báo để các đương sự thỏa thuận mức giảm giá với nhau là chưa phù hợp. Tuy nhiên, khi hướng dẫn nghiệp vụ, Cục THADS tỉnh Tây Ninh lại cho rằng chấp hành viên đã thực hiện phù hợp với quy định trên. Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Trường ĐH Luật TP.HCM, Cục THADS tỉnh đã hiểu chưa đúng về quy định. Bởi khoản 3 Điều 17a Nghị định 125/CP quy định rất rõ: “Trước khi giảm giá tài sản, chấp hành viên yêu cầu các đương sự thỏa thuận mức giảm giá. Nếu các đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được về mức giảm giá thì chấp hành viên quyết định mức giảm giá”. Đã là “thỏa thuận” thì hai bên cùng đưa ra giá cả, ví dụ một bên đưa ra giá 1 tỉ đồng, một bên đưa ra giá 800 triệu đồng thì được hiểu là không thỏa thuận được về giá. Trường hợp các bên đều có quan điểm của mình, ví dụ như ông Thông giao chấp hành viên căn cứ theo luật để làm, tức là ông Thông từ chối thỏa thuận, dù vậy chấp hành viên vẫn phải thông báo cho ông Dững (người phải THA) biết. Do đó, TS Tiến cho rằng chấp hành viên không thông báo cho các đương sự thỏa thuận mức giảm giá là sai, tức quan điểm của Chi cục THADS là đúng. |