Ngày 8-4, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) theo hướng hủy, trả hồ sơ xét xử lại từ đầu. Một trong hai lý do kháng nghị khá hy hữu là tòa sơ thẩm tống đạt giấy tờ nhầm địa chỉ nơi ở của bị đơn.
Xử vắng mặt bị đơn
Theo hồ sơ, ông DTH (ngụ quận Cái Răng) khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản với bà Nguyễn Thị Anh (ngụ quận Ninh Kiều) và được TAND quận Ninh Kiều thụ lý giải quyết. Theo hồ sơ tại tòa này thì xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án bà Anh đều vắng mặt không lý do.
Ngày 24-5-2018, TAND quận xử sơ thẩm vụ án vắng mặt bà Anh và tuyên buộc bà Anh phải trả cho ông H. hơn 1,66 tỉ đồng (1,5 tỉ nợ gốc và hơn 160 triệu đồng tiền lãi). Do hai bên đương sự không có kháng cáo, VKS không kháng nghị nên bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Điều đáng nói là theo bà Anh, bà không hề biết mình bị khởi kiện và thời gian tòa xét xử, nên không thể có ý kiến và không thể kháng cáo bản án sơ thẩm. Đến ngày 9-7-2018 bà Anh mới nhận được thông báo thi hành án do người hàng xóm nhà kế bên đưa cho.
lúc này bà mới biết mình bị kiện và phải chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi phát hiện sự việc thì bản án sơ thẩm đã có hiệu lực nên ngày 20-8-2018, bà có đơn đề nghị giám đốc thẩm yêu cầu hủy án.
Bà Nguyễn Thị Anh (ảnh nhỏ) và hai căn nhà liền kề dẫn đến sự nhầm lẫn hy hữu của tòa sơ thẩm. Ảnh: NG
Cần phải hủy án
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định về tố tụng tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, tại hợp đồng vay mượn tiền ngày 16-3-2017 thể hiện bà Nguyễn Thị Anh có địa chỉ cư trú tại số nhà 180AB1, đường Xuân Thủy, khu vực 2, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Đồng thời, tại đơn khởi kiện ngày 16-8-2017 của ông H. cũng ghi rõ địa chỉ bà Anh như trên. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm lại thực hiện việc tống đạt các văn bản tố tụng đối với bà Anh tại địa chỉ 182AB1, đường Xuân Thủy, khu vực 2, phường An Bình (quận Ninh Kiều), không đúng địa chỉ thường trú của bà Anh. từ đó, cấp sơ thẩm cho rằng bà Anh không hợp tác để xét xử vắng mặt đối với bà Anh là không đúng luật.
Về nội dung, kháng nghị nhận định, qua xem xét hợp đồng vay tiền thể hiện hai bên có ký nhận vay số tiền 1,5 tỉ đồng. Nhưng việc giao nhận số tiền này như thế nào thì chưa được cấp sơ thẩm xác minh, làm rõ. Tại đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, bà Anh cho rằng việc ký hợp đồng vay tiền là giả tạo nhằm hợp thức hóa việc mua bán xăng dầu giữa doanh nghiệp do bà làm chủ với Công ty R. Thực chất bà Anh không nhận tiền của ông H.
Ngoài hợp đồng vay tiền và lời khai của ông H. thì không có tài liệu nào khác chứng minh ông H. đã giao số tiền trên cho bà Anh. Hơn nữa bà Anh vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng nên không trình bày được những vấn đề liên quan trực tiếp đến yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Theo kháng nghị, cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào hợp đồng vay tiền để buộc bà Anh trả số tiền trên và tiền lãi cho ông H. là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Quen biết từ việc mua bán xăng Theo bà Anh, bà và Công ty R. (cung ứng xăng dầu - PV) có quan hệ kinh doanh mua bán với nhau. Bà Anh có cây xăng tại tỉnh Hậu Giang và làm đại lý bán lẻ cho Công ty R. Ông H. là nhân viên của Công ty R. nên hai bên quen biết nhau từ đây. Ngoài việc ở căn nhà trên tại TP Cần Thơ, bà cũng thường xuyên có mặt tại trạm xăng dầu, có địa chỉ rõ ràng nhưng bà không hề nhận được bất cứ thư mời hay giấy triệu tập nào của tòa sơ thẩm. |