Ngày 25-2, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của TAND huyện Châu Thành (Long An), giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc tòa này phải bồi thường cho anh Đặng Ngọc Thanh gần 300 triệu đồng.
Tại phiên tòa, Phó Chánh án Diệp Song Tiền (đại diện cho TAND huyện Châu Thành, Long An) đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của anh Thanh đòi bồi thường gần 110 triệu đồng do khoản thu nhập bị giảm sút trong khoảng thời gian bị giữ bằng thuyền trưởng và cấm đi khỏi nơi cư trú. Lý do tòa này đưa ra là theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư liên tịch 05/2012 của VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT chỉ quy định trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù mới được bồi thường.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Tuấn Lộc (người bảo vệ quyền lợi của ông Thanh) đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm vì TAND huyện Châu Thành (Long An) đã hiểu không đúng quy định pháp luật.
Cạnh đó, đại diện VKS cũng đề nghị tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của TAND huyện Châu Thành (Long An), giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Cuối cùng, TAND tỉnh Bến Tre nhận định Thông tư liên tịch 05 nói trên có nêu thu nhập bị giảm sút của người bị hại. Việc anh Thanh bị cấm đi khỏi nơi cư trú và bị thu giữ bằng lái tàu sẽ ảnh hưởng đến công việc vì phải chấp hành theo mệnh lệnh của cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, trong thời gian đó anh Thanh có thể làm việc khác để có thu nhập nhưng không ổn định như công việc chính. Vì vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của anh Thanh là có căn cứ.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, bốn năm trước, anh Thanh được ông Phạm Thanh Sang (chủ một sà lan) thuê làm thuyền trưởng lái sà lan trên sông Vàm Cỏ. Sau đó, do có việc gấp nên anh Thanh giao lại sà lan cho ông Sang. Ông Sang lái tàu được một đoạn, tiếp tục giao lại cho Võ Văn Quốc là phụ lái tàu. Do không chú ý quan sát, Quốc lái sà lan tông chìm một chiếc ghe khiến ba mẹ con tử vong.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Thành đã tuyên phạt anh Thanh bảy năm tù về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Từ đấu tranh quyết liệt của Pháp Luật TP.HCM, TAND tỉnh Long An đã hủy án sơ thẩm. Đến tháng 10-2015, sau bảy tháng bị tạm giam, anh Thanh được trả tự do và được đình chỉ điều tra với lý do hành vi không cấu thành tội phạm.
Cuối năm 2017, TAND huyện Châu Thành, Long An công khai xin lỗi anh Thanh nhưng lại chỉ đồng ý bồi thường 162 triệu đồng. Từ đó anh Thanh làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Châu Thành (Bến Tre) nơi anh
đang cư trú.
Năm 2018, TAND huyện Châu Thành (Bến Tre) đã xử sơ thẩm buộc TAND huyện Châu Thành (Long An) phải bồi thường cho anh Thanh gần 300 triệu đồng do đã kết án oan. Sau đó, TAND huyện Châu Thành (Long An) kháng cáo nên TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm và tuyên án như trên.