Ngày 25-5, Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức hội thảo về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số.
Quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân
Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Hoa (Trường ĐH Luật TP.HCM) thay mặt nhóm tác giả (TS Nguyễn Thị Hoa và PGS-TS Đỗ Văn Đại) trình bày tham luận về những điểm mới cơ bản trong Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC |
Ảnh chụp màn hình có được xem là chứng cứ?
Về vấn đề nếu người có dữ liệu cá nhân bị xâm phạm cung cấp tài liệu là ảnh chụp màn hình thì tòa án có xem đây là chứng cứ hay không, đại diện bên Pháp cho biết tại Pháp có công nghệ chống chỉnh sửa khi chụp màn hình. Vì vậy, ảnh chụp màn hình cũng được coi là chứng cứ mà không cần thừa phát lại.
TS Phùng Văn Hải cho biết thêm đối với ảnh chụp màn hình, nếu người bị chụp màn hình không phản đối thì không cần chứng minh. Nhưng nếu người bị chụp màn hình cho rằng giả mạo hay đã bị chỉnh sửa, cắt ghép thì tòa phải trưng cầu giám định mới xác định được đây có được xem là chứng cứ hay không.
Ghi nhận về quyền dữ liệu cá nhân, Điều 9 Nghị định 13/2023 tập trung vào quyền của chủ thể dữ liệu. Trong đó, khẳng định chủ thể này có “quyền được biết” về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân, “quyền đồng ý hoặc không đồng ý” về cho phép xử lý dữ liệu cá nhân, “quyền truy cập” để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân, “quyền được xóa” để được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân...
Theo TS Hoa, trước Nghị định 13/2023, một số dữ liệu cá nhân đã được pháp luật bảo vệ như quyền về hình ảnh cá nhân (Điều 32 BLDS 2015), quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38 BLDS 2015). Thực tiễn xét xử cũng đã có tranh chấp về bảo vệ các dữ liệu cá nhân (được khai thác mà không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu).
TS Hoa nêu dẫn chứng là bản án của TAND tỉnh Hậu Giang đã nhận định “những thông tin có liên quan đến đời sống trong quá khứ và gia đình của bà P và ông A được nêu trong đơn yêu cầu gửi đến Thanh tra Công an tỉnh Hậu Giang và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang khi chưa có sự đồng ý của cá nhân đó là sai quy định”. Theo TS Hoa, với nội hàm dữ liệu cá nhân theo Nghị định 13/2023, quyền của cá nhân ở đây đã được củng cố, mở rộng hơn so với BLDS.
Tuy nhiên, Nghị định 13/2023 cũng cho thấy quyền đối với dữ liệu của mình không tuyệt đối. Đó là những trường hợp được xử lý dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu (Điều 17), hay cho phép xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng mà không cần sự đồng ý của chủ dữ liệu (Điều 18).
Bảo vệ dữ liệu cá nhân bằng pháp luật hình sự
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết luật hình sự tham gia vào việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khi cụ thể hóa tội phạm về các hành vi xâm hại đến dữ liệu cá nhân về tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của dữ liệu cá nhân trong môi trường số.
Góp ý để hoàn thiện các quy định, PGS-TS Phương Hoa đánh giá rằng tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS) đưa ra yêu cầu về loại trừ trong định tội danh. Cụ thể, trong trường hợp một người thực hiện hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi của họ chỉ cấu thành tội này nếu không cấu thành tội trộm cắp tài sản (Điều 173) hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174).
Theo PGS-TS Phương Hoa, quy định trên không hợp lý vì hành vi khách quan của tội phạm tại Điều 290 BLHS 2015 được thực hiện với phương thức hoàn toàn khác biệt so với tội phạm tại Điều 173 và Điều 174 BLHS 2015. Việc quy định như vậy dẫn đến thực trạng định tội danh không thống nhất.
PGS-TS Phương Hoa dẫn chứng bản án ngày 8-9-2022 của TAND huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đã tuyên bố hành vi truy cập bất hợp pháp vào tài khoản cá nhân của bị hại và thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ứng dụng MoMo của bị hại sang tài khoản khác nhằm chiếm đoạt là hành vi lén lút lấy tài sản của người khác nên phạm tội trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên, bản án phúc thẩm xác định hành vi truy cập bất hợp pháp vào tài khoản cá nhân và chiếm đoạt tài sản vừa xâm phạm quyền sở hữu tài sản vừa xâm phạm dữ liệu cá nhân của nạn nhân (thông tin tài khoản số của cá nhân) nên phạm tội quy định tại Điều 290 BLHS 2015.
Vì vậy, theo PGS-TS Phương Hoa, cần cấu trúc lại theo hướng bỏ dấu hiệu “nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của bộ luật này” tại khoản 1 Điều 290 BLHS 2015.
Thực tiễn bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân
Điều 11 BLDS 2015 quy định sáu biện pháp bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân. Trong đó có các biện pháp như buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc bồi thường thiệt hại...
Tuy nhiên, phải chăng mỗi khi quyền về dữ liệu cá nhân bị xâm phạm, chủ thể dữ liệu được khai thác bất kỳ biện pháp trong các biện pháp vừa nêu?
Theo TS Nguyễn Thị Hoa, vấn đề này chưa rõ ràng. Trong vụ án tại TAND tỉnh Hậu Giang nêu trên, tòa án chỉ cho chủ thể có dữ liệu bị xâm phạm được bồi thường thiệt hại và từ chối chấp nhận yêu cầu về xin lỗi công khai...
TS Phùng Văn Hải (Phó Chánh án TAND TP.HCM) nêu Điều 5 BLTTDS 2015 cho phép đương sự được quyền khởi kiện yêu cầu tất cả vấn đề và tòa án sẽ xem xét, giải quyết trên các yêu cầu này. Vì vậy, tòa án sẽ thụ lý tất cả yêu cầu của người khởi kiện, sau đó dựa vào các chứng cứ thì tòa án có thể buộc bồi thường thiệt hại và cả xin lỗi.
TS Hải dẫn chứng thực tế tại TAND TP.HCM từng giải quyết vụ người vợ sau khi ly hôn đã đưa những thông tin nhạy cảm của người chồng lên mạng. Sau khi thu thập chứng cứ, anh này đã kiện vợ cũ yêu cầu xin lỗi công khai. TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu, buộc vợ cũ của anh xin lỗi anh tại cơ quan thi hành án.