Gần đây, dư luận xôn xao việc một doanh nhân liên tục livestream “tố” một số nghệ sĩ lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi và đề nghị phải sao kê minh bạch các khoản thu chi khi làm từ thiện.
Làm lộ bí mật cá nhân người khác là trái luật
Để chứng minh sự minh bạch, một số nghệ sĩ đã bước đầu công khai những bản sao kê từ ngân hàng (NH) về các khoản tiền kêu gọi từ thiện. Tuy nhiên, việc công khai sao kê như trên sẽ làm lộ thông tin (bao gồm họ tên, thông tin tài khoản NH, số tiền ủng hộ…) của những người góp tiền từ thiện. Việc tự ý công khai sao kê NH chứa những thông tin nêu trên của các mạnh thường quân có vi phạm pháp luật?
Ngày 17-9, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh livestream công khai sao kê số tiền cô kêu gọi quyên góp để ủng hộ miền Trung cuối năm 2020.
Ảnh: NGUYỆT NHI
Khoản 1, 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý…”.
Từ những dẫn luật trên cho thấy mọi công dân có quyền bất khả xâm phạm về thông tin bí mật cá nhân. Mọi hành vi xâm phạm, công khai, làm lộ thông tin bí mật cá nhân của người khác là vi phạm pháp luật.
Luật sư Trang phân tích: Các thông tin về tài khoản NH, số tiền ủng hộ… của những người ủng hộ từ thiện được xem là thông tin bí mật cá nhân. Khi thực hiện công khai các bản sao kê chứa những nội dung nêu trên phải được sự đồng ý của họ bằng văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an đề nghị rà soát tài khoản một số nghệ sĩ làm từ thiện Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an có công văn gửi Cơ quan thanh tra, giám sát NH (NH Nhà nước) rà soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với tài khoản của các nghệ sĩ liên quan đến vấn đề từ thiện. Việc này nhằm phục vụ cho quá trình xác minh phản ánh của dư luận về vấn đề một số nghệ sĩ quyên góp từ thiện, cứu trợ nhưng thiếu minh bạch khi giải ngân. Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết Bộ Công an nhận được tin báo tố giác tội phạm và tin báo liên quan đến một số cá nhân có hoạt động gây quỹ quyên góp từ thiện thời điểm xảy ra bão lũ miền Trung năm 2020. Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin. Hiện cục đang phối hợp với các NH tiến hành rà soát các tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận quyên góp và quá trình giải ngân. Cục cũng phối hợp với UBND và MTTQ các tỉnh để xác minh, làm rõ số tiền các cá nhân đã tiến hành cứu trợ, làm từ thiện tại đó. |
Có thể bị truy cứu trách nhiệm
TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết các thông tin về tài khoản NH, số tiền ủng hộ… của người góp tiền từ thiện là quyền riêng tư theo quy định của Bộ luật Dân sự. Chỉ có cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu NH thực hiện việc cung cấp để rà soát như hiện nay Bộ Công an đang tiến hành với một số cá nhân là các ca sĩ, diễn viên về hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng chỉ sử dụng chứ không công khai các thông tin tài khoản và số tiền của các mạnh thường quân. TS Tiến nhấn mạnh: Cá nhân, tổ chức không được cung cấp hoặc đánh cắp các thông tin này. Mọi người cần phải tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân. Ông cũng giải thích thêm rằng quyền riêng tư là tất cả thông tin cá nhân và mối quan hệ xã hội của cá nhân đó. Không ai được phép thu thập, công bố các thông tin ảnh hưởng đến quyền riêng tư.
Luật sư Trang và TS Tiến đồng quan điểm: Bất kỳ ai có hành vi công khai các bản sao kê NH chứa thông tin tài khoản NH của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ được xem là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền về bí mật cá nhân. Trừ trường hợp cung cấp theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi và hậu quả thiệt hại xảy ra sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, về trách nhiệm hành chính, điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định người nào có hành vi “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” thì bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 291 Bộ luật Hình sự quy định người thực hiện hành vi công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản NH của người khác với số lượng từ 20 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất đối với hành vi này có thể lên tới 200-500 triệu đồng đối với hình phạt tiền hoặc lên tới 2-7 năm tù khi số lượng tài khoản bị công khai từ 200 tài khoản trở lên…
Cạnh đó, TS Tiến còn cho biết về dân sự, người bị xâm phạm quyền riêng tư còn có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Lãnh án vì mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng Đầu năm 2021, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Hoàng Thị Lệ Thanh 100 triệu đồng về tội mua bán trái phép thông tin về tài khoản NH. Bị cáo này thừa nhận cáo buộc mình đã “vẽ đường cho hươu chạy” mua 27 tài khoản NH bán lại để thu lợi bất chính. Liên quan việc mua bán thông tin tài khoản NH, Nguyễn Lê Thanh Tú cũng bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 11 năm sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép thông tin về tài khoản NH và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Từ tháng 10 đến tháng 11-2019, Tú đã mua thông tin về tài khoản NH của 50 công ty mở tại sáu NH. Tú cùng các đồng phạm gian dối để chiếm đoạt 3,14 tỉ đồng thuộc tài khoản của một công ty… |