Như PLO đã thông tin, TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của BLHS 2015 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong đó, dự thảo nêu tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, là trường hợp đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan nhưng chưa xảy ra bất cứ hậu quả nào của tội phạm hoặc có thiệt hại xảy ra nhưng giá trị thiệt hại không như mức bình thường của khung hình phạt đó và việc chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, không có bất cứ tác động nào của người phạm tội đối với hậu quả của tội phạm.
Một trong những ví dụ được minh họa, hướng dẫn là "trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng".
Ví dụ này đặt ra một số vấn đề trao đổi như: Tại sao là con số 5 triệu đồng, căn cứ nào để đề xuất số tiền 5 triệu đồng, chỉ lấy được 5 triệu đồng là bắt buộc 5 triệu hay dưới 5 triệu cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này?...
Hiểu như thế nào về con số 5 triệu đồng?
Nêu quan điểm về dự thảo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, Luật sư Trương Ngọc Liêu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Điều 173 BLHS định lượng giá trị tài sản bị trộm cắp đến mức xử lý hình sự là từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, nên trong trường hợp chỉ trộm được 5 triệu đồng (tức bằng 1/10 của 50 triệu đồng) thì việc xác định hành vi phạm tội gây thiệt hại không lớn để cho hưởng tình tiết giảm nhẹ là có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu đã nêu ví dụ như trên, để tránh tình trạng bị áp dụng rập khuôn, cứng nhắc (ví dụ người trộm 5 triệu thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ, còn người 5,1 triệu đồng thì không - PV) thì TAND Tối cao cần nghiên cứu thật kỹ để đưa một con số thống nhất, và hướng dẫn từ con số đó trở xuống thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS.
"Con số đó có thể 10 triệu tương đương 1/5 mức tối đa của khung giá trị tài sản trộm cắp tại khoản 1 Điều 173 BLHS, mức này có thể xem là gây thiệt hại không lớn", LS Liêu nêu quan điểm.
Còn theo ThS Vũ Anh Sao, phó trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, ví dụ của dự thảo được diễn giải là người trộm cắp tài sản đã thực hiện hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản và chỉ lấy được tài sản giá trị 5 triệu đồng, sẽ thuộc trường hợp phạm tội gây thiệt hại không lớn của điểm h, khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự.
Trên thực tế ngay cả khái niệm "gây thiệt hại không lớn" cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi và chưa thống nhất.
Dù vậy, trong trường hợp này, dự thảo có hướng dẫn đây là trường hợp đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan, có thiệt hại xảy ra nhưng giá trị thiệt hại không như mức bình thường của khung hình phạt đó, thì có thể được hiểu theo hướng "thiệt hại không lớn ở đây có nghĩa là giá trị tài sản chiếm đoạt được không lớn so với mức bình thường". Cụ thể, trong trường hợp này là so với cấu thành tội phạm cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
Định lượng để xác định tính nguy hiểm đáng kể của hành vi trộm cắp tài sản để cấu thành tội danh quy định tại khoản 1 Điều 173 là trộm cắp từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Mức 5 triệu đồng sẽ bằng 1/10 của mức thiệt hại cao nhất trong định khung hình phạt ở khung cơ bản, và không lớn so với mức bình thường định lượng tối thiểu giá trị tài sản bị chiếm đoạt của tội danh này là 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc sử dụng cụm từ "chỉ lấy được 5 triệu đồng" lại tạo ra một vấn đề là cần có giải thích thêm từ ban soạn thảo. Bởi lẽ, từ "chỉ" thường mang tính tuyệt đối, được hiểu là đúng 5 triệu đồng mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
Còn "thiệt hại không lớn ở đây có nghĩa là giá trị tài sản chiếm đoạt được không lớn so với mức bình thường", thì từ ngữ thể hiện phải là "chỉ lấy được từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng" thì sẽ phù hợp hơn, thay vì là con số tuyệt đối là 5 triệu sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
"Đây là nhận định chủ quan của tôi để trao đổi nhằm tìm ra câu trả lời mà chính tôi khi đọc vào nội dung của dự thảo, cũng như trao đổi với ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp nhưng cũng chưa có sự thống nhất trong việc đưa ra đáp án. Do đó trong thời gian tới cũng mong nhận được các ý kiến giải đáp, phản hồi từ phía cơ quan soạn thảo", ThS Sao nói.
Hướng dẫn cần có công thức rõ ràng
Trong khi đó, một thẩm phán đang làm công tác xét xử tại TP.HCM, cho rằng cần quy định rõ thành hai điều kiện đảm bảo có để áp dụng tình tiết giảm nhẹ nêu trên.
Cụ thể, tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp đáp ứng đủ những điều kiện sau:
Thứ nhất, đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan nhưng chưa xảy ra bất cứ hậu quả nào của tội phạm hoặc có thiệt hại xảy ra nhưng giá trị thiệt hại không như mức bình thường của khung hình phạt đó.
Thứ hai, việc chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, không có bất cứ tác động nào của người phạm tội đối với hậu quả của tội phạm.
Cũng theo vị thẩm phán này, việc hướng dẫn tại dự thảo Nghị quyết chưa được rõ ràng và chưa đảm bảo công tác hướng dẫn.
Về các ví dụ, thẩm phán này cho rằng nên chia các trường hợp theo từng nhóm tội được quy định trong BLHS. Ví dụ: Các tội xâm phạm sở hữu (như trộm cắp thì phải dưới mức bao nhiêu tiền thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ...); các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm (như tội cố ý gây thương tích nhưng bị hại chỉ bị thương tích dưới 11%...) thì sẽ được xem xét tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”.
"Thay vì lấy con số 5 triệu cụ thể như ở ví dụ 2 có thể gây khó hiểu và không biết vì sao tính ra được con số này thì nên chia theo từng nhóm tội", vị thẩm phán nêu ý kiến và lấy ví dụ:
Tội trộm cắp tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 173 (Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng...), chúng ta tính trung bình của 2 triệu và 50 triệu là 26 triệu đồng. Khi áp dụng, tính mức dưới 26 triệu đồng (dưới mức trung bình) này là hợp lí. Và nếu truy tố ở Khoản 1 kèm theo không có tình tiết tăng nặng thì sẽ áp dụng tình tiết này hết.
Theo vị thẩm phán, mục đích hướng dẫn là để áp dụng thống nhất. Muốn thống nhất thì phải theo công thức rõ ràng.