TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của BLHS 2015. Trong đó, Điều 51 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Điều 52 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ví dụ về tình tiết giảm nhẹ
Ngoài việc diễn giải cách hiểu, cách áp dụng về các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng thì dự thảo còn nêu một số ví dụ minh họa.
Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, theo dự thảo, đây là trường hợp vì mục đích bắt giữ người phạm tội mà cố ý thực hiện những hành vi vượt quá mức cần thiết và gây thiệt hại cho người phạm tội hoặc một chủ thể bất kỳ.
Cơ quan soạn thảo cũng nêu ví dụ: Nguyễn Văn A đuổi bắt Nguyễn Văn C do có hành vi cướp giật túi xách của người đi đường. Khi đuổi theo, A đã đạp liên tiếp vào xe máy của C đang đi, khiến C bị ngã và gãy chân, tổn thương cơ thể 61%.
Về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, dự thảo giải thích đây là trường hợp đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan nhưng chưa xảy ra bất cứ hậu quả nào của tội phạm hoặc có thiệt hại xảy ra nhưng giá trị thiệt hại không như mức bình thường của khung hình phạt đó và việc chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, không có bất cứ tác động nào của người phạm tội đối với hậu quả của tội phạm.
Để minh họa cho việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, TAND Tối cao nêu hai ví dụ cụ thể.
Ví dụ 1: Rút súng bắn nhưng không trúng người (đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan nhưng chưa xảy ra bất cứ hậu quả nào của tội phạm- PV); trộm cắp tài sản ra khỏi nhà nhưng bị bắt quả tang…
Ví dụ 2: Bỏ thuốc độc vào cơm cho người khác ăn để giết người nhưng người đó không chết, chỉ tổn hại 11% sức khỏe; trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng...
Hiện nay, Điều 173 BLHS 2015 (tội trộm cắp tài sản) quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.
Chiếu theo ví dụ trên của dự thảo có thể diễn giải rằng, người có hành vi trộm cắp tài sản, trộm được 5 triệu đồng, đã thực hiện toàn bộ hành vi nên phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS, nhưng được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự vì chỉ trộm được 5 triệu.
Nhiều vấn đề đặt ra
Từ ví dụ nêu trên tại dự thảo, nhiều vấn đề đã được đặt ra là: Tại sao là con số 5 triệu đồng? 5 triệu đồng là "thiệt hại không lớn"? Vậy nếu giá trị tài sản trộm cắp trên 2 triệu nhưng dưới 5 triệu thì sao?...
Khi đó, vấn đề áp dụng hướng dẫn này cũng cần được lưu ý, bởi nhận thức pháp luật của người tiến hành tố tụng có thể không thống nhất. Câu chuyện áp dụng rập khuôn, máy móc Án lệ 47 về tội giết người là một ví dụ.
Tại Hội nghị rút kinh nghiệm xét xử khu vực miền Trung - Tây nguyên ngày 9-6-2023, ông Phạm Tấn Hoàng, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, cho biết trong thời gian kể từ khi Án lệ số 47 ban hành, áp dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trong phạm vi cả nước nói chung và trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng gặp nhiều khó khăn, bất cập, chủ yếu xuất phát từ nhận thức pháp luật không thống nhất, có nhiều trường hợp nhận thức không đúng về nội dung và tinh thần của án lệ này. Điều này dẫn đến áp dụng máy móc vào việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội phạm bị kết án giết người gia tăng đột biến.
Ngay sau đó, ngày 13-6-2023, TAND Tối cao đã phải ban hành Công văn số 100 để quán triệt nhiều nội dung liên quan đến việc áp dụng Án lệ số 47 nêu trên.
Trên bản tin tiếp theo, PLO sẽ giới thiệu ý kiến của luật sư, thẩm phán, giảng viên luật... về quan điểm của họ đối với nội dung nêu trên của dự thảo.