TAND Tối cao đề xuất 6 tình tiết giảm nhẹ chưa quy định tại BLHS 2015

(PLO)- TAND Tối cao dự thảo hướng dẫn 6 tình tiết có thể coi là tình tiết giảm nhẹ để HĐXX của vụ án xem xét, quyết định theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 (tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và Điều 52 (tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự) của BLHS 2015.

Theo Khoản 2 Điều 51 BLHS, khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác (ngoài 22 tình tiết đã liệt kê cụ thể ở khoản 1 -PV) là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

tình tiết giảm nhẹ
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Huệ Vân được VKS ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có tình tiết tự nguyện nộp tiền để khắc phục hậu quả. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nay, dự thảo quy định về các tình tiết sau đây "có thể coi" là tình tiết giảm nhẹ (tức hướng dẫn về các tình tiết khác tại quy định trên) để tòa án xem xét, quyết định nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án, bao gồm:

(1) Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

(2) Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

(3) Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu;

(4) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế được cấp có thẩm quyền xác nhận, nhưng vì lý do khách quan chưa kê khai đề nghị nên chưa có Huân, huy chương;

(5) Bị cáo có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn hoặc bị cáo được khen thưởng của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, Công ty, xí nghiệp tặng giấy khen;

(6) Bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác.

Ví dụ: Bị cáo là người cháu được bà ngoại là mẹ Việt Nam anh hùng nuôi dưỡng từ nhỏ, là người thân duy nhất còn lại hoặc trường hợp bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác... thì khi xét xử Toà án có thể coi đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Đây là tình tiết được kế thừa từ Mục 2 Công văn số 148/2002/KHXX ngày 30-9-2002 của TAND Tối cao.

Khi nào được áp dụng tình tiết "lập công chuộc tội"

Về tình tiết “Người phạm tội đã lập công chuộc tội” quy định tại điểm u khoản 1 Điều 51 BLHS, dự thảo nêu đây là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến trước khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn, hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt người phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm