Áp dụng các tình tiết giảm nhẹ: Nên để mở cho tòa

(PLO)- Nhà làm luật không thể dự trù hết được các tình tiết có thể xảy ra trên thực tế, nên trên nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì cần dành quyền đánh giá “các tình tiết giảm nhẹ khác” cho HĐXX.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 (về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS)) và Điều 52 (về tình tiết tăng nặng TNHS) của BLHS 2015.

Bên cạnh việc hướng dẫn chi tiết, nêu một số ví dụ về việc áp dụng 37 tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS đã quy định tại BLHS 2015, dự thảo cũng nêu sáu tình tiết “có thể coi” là tình tiết giảm nhẹ để tòa án xem xét khi quyết định hình phạt.

Nghị quyết giúp thống nhất đường lối xét xử

Có thể thấy các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS không phải là căn cứ để xác định tội danh, mà để lượng hình phạt trong khung hình phạt nhất định của điều luật quy định tội danh đó.

tình tiết giảm nhẹ
Các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát được VKS ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đây là những căn cứ để tòa đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, cũng như hoàn cảnh, điều kiện phạm tội cùng khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội. Việc đánh giá này sẽ chỉ giới hạn trong vụ án hình sự cụ thể chứ không có sự so sánh với vụ án hình sự với bối cảnh phạm tội khác.

Quy định về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong BLHS 2015 có những quy chi tiết và mới hơn so với BLHS 1999 nhưng khi áp dụng thì vẫn có sự chưa thống nhất giữa tòa án các địa phương, tòa án các cấp.

Điều này không khó hiểu, bởi chưa có một nghị quyết hướng dẫn nào của TAND Tối cao liên quan đến áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong BLHS 2015. Thời gian vừa qua các tòa vẫn vận dụng tinh thần của Nghị quyết 01/2006 và Nghị quyết 01/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (phần hướng dẫn áp dụng Điều 46, 48 BLHS 1999).

TAND Tối cao cũng đưa ra những văn bản hướng dẫn mang tính vụ việc như giải đáp thắc mắc hoặc qua sổ tay thẩm phán… mà chưa có hướng dẫn bằng văn bản của Hội đồng Thẩm phán mang tính pháp lý cao để có hiệu lực đối với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tham gia tố tụng…

Do đó, việc xây dựng dự thảo hướng dẫn về việc áp dụng xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ sẽ giúp thống nhất đường lối xét xử, đảm bảo tính có căn cứ trong việc áp dụng các tình tiết này, đồng thời việc quyết định hình phạt mang tính thuyết phục hơn.

Để hạn chế sự tùy tiện nhưng vẫn trên nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, dự thảo nghị quyết cần bổ sung, làm rõ trong trường hợp phát sinh những vấn đề ngoài hướng dẫn thì HĐXX vẫn được quyền áp dụng các “tình tiết khác”.

“Mở” để phòng ngừa những tình huống không lường trước

Khoản 22 Điều 2 dự thảo đã hướng dẫn cụ thể sáu tình tiết khác mà khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS hiện hành. Đây là quy định theo hướng liệt kê và loại trừ nhằm thống nhất trong việc áp dụng.

Nếu quy định này được ban hành, khi xét xử HĐXX sẽ áp dụng những căn cứ theo hướng dẫn này thì sẽ không còn tình trạng áp dụng tình tiết giảm nhẹ tùy tiện, không có căn cứ. Chính điều đó sẽ làm giảm đi lượng án bị sửa bởi quyết định của họ luôn trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.

Thế nhưng ở mặt khác, các nhà làm luật không thể lường trước hay dự trù hết được các tình tiết tương tự có thể xảy ra. Do đó, trên nguyên tắc có lợi cho người phạm tội khi xét xử vụ án hình sự, khoản 2 Điều 51 BLHS mới đưa ra quy định mở, dành quyền đánh giá “các tình tiết giảm nhẹ khác” cho HĐXX. Điều này là phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội luôn biến động và phát triển không ngừng.

Do đó, để hạn chế sự tùy tiện nhưng vẫn trên nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, dự thảo nghị quyết cần bổ sung, làm rõ trong trường hợp phát sinh những vấn đề ngoài hướng dẫn thì HĐXX vẫn được quyền áp dụng các “tình tiết khác”.

Quy định pháp luật là do con người đặt ra, việc áp dụng pháp luật có đúng, có sai cũng do con người mà ra. Pháp luật quy định HĐXX độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Quy định này là thanh thượng phương bảo kiếm để thẩm phán, hội thẩm có thể lựa chọn và thể hiện sự tự quyết của mình trong quyết định mức hình phạt trên cơ sở quy định của pháp luật, cảm nhận công lý, niềm tin nội tâm qua phần thẩm vấn xét xử công khai tại phiên tòa và các yếu tố xã hội khác ... nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Nhiều hậu quả khi áp dụng sai tình tiết giảm nhẹ

Vừa qua có chuyện tòa căn cứ khoản 2 Điều 51 BLHS để cho bị cáo là người chồng được hưởng án treo vì “vợ tham gia chống dịch được khen thưởng”; tòa áp dụng tình tiết có nơi cư trú rõ ràng là tình tiết giảm nhẹ mới để giảm nhẹ hình phạt; tòa nhận định tình tiết “bị cáo phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự” là tình tiết giảm nhẹ. Những vi phạm này sau đó đều đã bị tòa cấp trên tuýt còi kịp thời.

Các bản án, quyết định có hiệu lực được công khai, tất cả mọi người đều có quyền giám sát. Hậu quả pháp lý của việc ban hành bản án trái pháp luật hoặc thiếu tính thuyết phục, không phù hợp sự thật khách quan của vụ án là rất nặng nề.

Theo đó, vụ án có thể bị kéo dài do bị sửa hoặc hủy nhiều lần, gây tốn kém thời gian, tiền bạc, hơn thế nữa là lòng tin của người dân vào cơ quan tiến hành tố tụng.

Cũng chính vì lẽ đó hằng năm TAND Tối cao đều tổ chức kiểm tra nghiệp vụ của tòa cấp dưới nhằm chấn chỉnh kịp thời công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị nghề nghiệp cho cán bộ tòa án, hội thẩm nhân dân. Tất cả điều này nhằm ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, tạo nên khuôn phép trong mỗi phán quyết của người nắm giữ cán cân công lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm