Sau kết quả bốc thăm, dựa trên bảng xếp hạng FIFA hiện tại, trước mắt có thể phân định thứ hạng tám bảng đấu theo mức độ nặng-nhẹ theo thứ tự nặng nhất xuống đến nhẹ nhất…
1. Bảng nặng nhất - bảng D (Argentina - hạng 6, Croatia - 12, Nigeria - 17, Iceland - 22)
Argentina đã hai lần vô địch và sẽ do đội trưởng Messi dẫn đầu. HLV Sampaoli tự hào tuyên bố: “Tôi đang có đội tuyển hay nhất lịch sử!”. Bên cạnh là Nigeria với lối chơi tốc độ đã giành vị trí nhất bảng vòng loại không thua trận nào. Đó cũng là hai ứng cử viên mà kết quả mới nhất đá giao hữu tháng trước Argentina bị đánh bại 2-4.
Còn Iceland lần đầu góp mặt là “hiện tượng” của Euro 2016 sẽ thi đấu thoải mái không chịu sức ép thành tích. Riêng Croatia có hàng tiền vệ xuất sắc kỳ này đã vượt qua cuộc chiến tranh vé vớt loại Hy Lạp.
Sau lễ bốc thăm, Brazil được đánh giá là đội nhiều khả năng lên ngôi vô địch nhất. Ảnh: GETTY IMAGES
2. Bảng khá nặng - bảng E (Brazil - hạng 1, Thụy Sĩ - 14, Serbia - 16, Costa Rica - 27)
Brazil năm lần nâng cúp đã xếp nhất vòng loại khu vực Nam Mỹ, Serbia là cái nôi của bóng đá Nam Tư cũ từng được mệnh danh là “Brazil Đông Âu” đại diện cho làn gió mới đang lên trong làng bóng thế giới. Thêm Costa Rica “bí ẩn” của bóng đá Bắc Mỹ từng vào đến tứ kết giải kỳ trước. Về phần Thụy Sĩ tranh vé vớt đã qua mặt được Bắc Ireland năm nay sẽ có nhiều bất ngờ.
3. Bảng tương đối nặng - bảng B (Tây Ban Nha - hạng 3, Bồ Đào Nha - 8, Iran - 24, Morocco - 26)
Tây Ban Nha là cựu vô địch World Cup lẫn Euro gần đây, Bồ Đào Nha đương kim vô địch Euro 2016 với Ronaldo mang băng đội trưởng. Iran đứng đầu bảng châu Á bất bại vòng loại có thế thủ vững chắc nhất, không để lọt lưới bàn nào dưới quyền HLV người Bồ Đào Nha. Cả Morocco cũng không thể bị xem thường khi có nhiều cầu thủ đang đá thuê ở châu Âu đã không thua trận nào ở vòng loại.
4. Bảng cân bằng - bảng H (Colombia - hạng 10, Ba Lan - 13, Senegal - 19, Nhật Bản - 23)
Bốn đội tuyển đại diện bốn châu lục với ba đội Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi thể hiện một thế lực mới, còn đại diện châu Á là Nhật thì dạng tiềm ẩn. Ba Lan sở hữu tiền đạo đội trưởng Lewandowski là vua phá lưới, kỷ lục gia vòng loại với 16 bàn. Tuy nhiên, tiền đạo đang khoác áo Bayern Munich tỏ ra khiêm tốn nói: “Chúng tôi không phải là ứng cử viên”. Senegal tận dụng lối đá rắn thiên về thể lực với dàn cầu thủ có chiều cao xấp xỉ 1,9 m. Colombia có đội hình đồng đều các tuyến do con chim đầu đàn J. Rodriguez dẫn đầu. Chỉ Nhật Bản dưới quyền HLV Halihodzic (Bosnia) là cựu binh góp mặt đều đặn song vẫn thuộc châu Á còn thiếu một “điểm nhấn” cần thiết để vượt qua được vòng bảng.
Một lần nữa Nhật lại tái ngộ Colombia, đội từng thắng họ vòng bảng 4-1 ở World Cup 2014.
5. Bảng nhẹ - bảng C (Pháp - hạng 4, Peru - 15, Đan Mạch - 20, Úc - 29)
Pháp là á quân Euro 2016 đang trẻ hóa vượt trội hơn cả so với ba đối thủ còn lại đều phải đi tranh vé vớt. Từ đó chủ tịch LĐBĐ Pháp đã mạnh dạn đặt ra chỉ tiêu vào bán kết! Hai đội Pháp và Đan Mạch từng đụng độ nhau trong ba vòng chung kết Euro và hai lần World Cup trong đó Pháp thắng ba, thua hai trận. Peru đánh dấu thành tích ấn tượng quay lại sau 36 năm vắng mặt. Đáng lo nhất là Úc mô phỏng kiểu đá của Anh “chạy và sút” lại đang rơi vào tình trạng “rắn không đầu”, do HLV Postecoglou sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong “chuyến tàu vét” không rõ lý do gì đã từ chức!
6. Bảng nhẹ thứ hai - bảng G (Bỉ - hạng 5, Anh - 7, Tunisia - 30, Panama - 31)
Có hai đội tuyển thuộc châu Âu mạnh hơn hẳn và trận đối đầu được chờ đợi thú vị giữa Bỉ và Anh có đến 16 tuyển thủ đang chơi giải Premier League quá biết nhau! Còn tính về đối đầu trực tiếp thì Bỉ vốn mới nổi lên thời gian gần đây nên kém ưu thế so với Anh qua 16 trận thua, năm hòa mà chỉ được một trận thắng. Dù vậy HLV Southgate cho biết hiện tại đội bóng “tam sư” trên đà trẻ hóa nên có lẽ còn non kinh nghiệm mà ông thì chưa hề biết gì về các đối thủ châu Phi như Tunisia.
7. Bảng khá nhẹ - bảng F (Đức - hạng 2, Mexico - 11, Thụy Điển - 18, Hàn Quốc - 28)
Đức là đương kim vô địch hầu như chắc ăn vào vòng 1/8 trong lúc Mexico là “vua” bóng đá Trung-Bắc Mỹ luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ cũng được đánh giá cao. Còn Thụy Điển lấy vé của Ý (tranh vé vớt) nên phải mang sứ mệnh làm sao cho xứng đáng người thế vai các Azzuri. Hàn Quốc được dự báo khó tiến xa. Trong cặp đấu giữa hai đội mạnh nhất là Đức và Mexico thì Đức đã năm thắng, năm hòa và một bại, trong đó gần đây nhất là ở Cúp Federations năm nay đã thắng 4-1.
8. Bảng nhẹ nhất - bảng A (Uruguay - hạng 9, Nga - 21, Ai Cập - 25, Saudi Arabia - 32)
Chủ nhà Nga tuy đội hình toàn cầu thủ đá giải nội địa nhưng có lợi thế sân nhà. Họ được gặp hai đội yếu trước (Saudi Arabia, Ai Cập) rồi mới đến đội mạnh Uruguay nên có thể sẽ không phải thư hùng kiểu một mất một còn. Ai Cập lâu rồi mới quay lại với giải đỉnh cao thế giới và Saudi Arabia cũng tương tự nên khó có bất ngờ.
Theo dự đoán mới nhất của tổ chức thống kê bóng đá quốc tế, Brazil nhiều hy vọng vô địch lần thứ sáu, tiếp theo là Đức và Pháp. Còn đội cầm đèn đỏ là Morocco.