Bánh mì thịt chỉ có giá 2.000 đồng trên phố núi Buôn Ma Thuột

(PLO)- Khoảng 4 giờ sáng, nhiều cán bộ, tổ trưởng, bí thư các tổ dân phố tại Đắk Lắk đã thức dậy để chuẩn bị bánh mì giá rẻ phục vụ người lao động nghèo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: Bánh mì thịt chỉ có giá 2.000 đồng trên phố núi Buôn Ma Thuột

Ngày 22-12, lãnh đạo phường Thống Nhất, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết tủ bánh mì được bán với giá 2.000 một ổ nhưng đầy đủ rau, thịt hoặc trứng nhằm san sẻ khó khăn với người lao động nghèo của phường đã hoạt động được tám năm.

Tủ bánh mì có thịt được bán với giá 2.000 đồng một ổ

Tủ bánh mì này được đặt ngay tại trụ sở phường Thống Nhất, đường Phan Bội Châu, TP Buôn Ma Thuột.

Nơi đây, cứ đều đặn 4 giờ mỗi sáng thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, cán bộ, tổ trưởng và bí thư các tổ dân phố đã có mặt để chế biến thực phẩm, chuẩn bị bữa sáng cho người lao động nghèo.

banh-mi-3-9751-1864.jpg
Từ 4 giờ sáng, nhiều cán bộ, tổ trưởng và bí thư các tổ dân phố tại phường Thống Nhất đã đến chuẩn bị bánh mì cho người lao động nghèo. Ảnh: TIẾN THOẠI

Theo ghi nhận của PLO, không khí xung quanh tủ bánh mì giá 2.000 đồng lúc nào cũng vui nhộn. Cán bộ phường, các bác tổ trưởng, bí thư các tổ dân phố chia nhau từng phần việc, người nhặt rau, người luộc thịt, chiên trứng, người xẻ bánh mì…để kịp giờ “bán” hàng.

Đến khoảng 5 giờ sáng, nhiều người đi bán vé số, các cô chú lao công hoặc các cụ già…đã tìm đến trụ sở phường Thống Nhất để “mua” bánh mì. Có thời điểm người đến mua đông nên tự giác xếp hàng chờ tới lượt để đảm bảo trật tự.

Mỗi ổ bánh mì có đầy đủ gia vị, trứng, thịt, rau…được bán với giá tượng trưng 2.000 đồng. Mỗi người dân đến đây chỉ mua từ một đến hai ổ bánh mì, nhằm nhường lại phần cho người đến sau.

“Nếu miễn phí thì bà con ngại, mặc cảm. Do đó, chúng tôi bán giá tượng trưng để bà con không phải suy nghĩ vì họ cũng bỏ tiền ra mua bánh mì”, ông Phạm Văn Minh, tổ trưởng tổ dân phố 7, phường Thống Nhất lý giải.

Bánh mì 2000.jpg
Mỗi người chia nhau từng phần việc để kịp cho người lao động nghèo lót dạ buổi sáng sớm. Ảnh: TIẾN THOẠI

Cầm trên tay ổ bánh mì đầy đủ rau thịt, bà Vũ Thị Tám (47 tuổi, ngụ huyện Buôn Đôn), cho biết bà cảm thấy rất ấm áp khi nhận được bánh mì giá rẻ để ăn sáng, đi làm.

“Tôi ở huyện, ra phố bán vé số. Mấy năm rồi, sáng nào tôi cũng ghé mua bánh mì 2.000 đồng. Thật sự tôi rất cảm kích vì có nơi chia sẻ khó khăn cùng những người lao động như tôi” - bà Tám nói.

Nghỉ hưu vẫn quay lại làm bánh mì giúp dân

Một người đặc biệt nhiều năm đồng hành cùng tủ bánh mì 2.000 đồng của phường Thống Nhất là bà Trần Thị Lệ Dung, nguyên kế toán của phường.

Theo lời bà Dung, hiện bà đã nghỉ hưu hơn ba năm nhưng vẫn tới tham gia hoạt động tại tủ bánh mì để giúp người nghèo.

bánh mì 2000.jpg
Khoảng 5 giờ sáng, nhiều người già, người bán vé số bắt đầu đến mua bánh mì giá rẻ. Ảnh: TIẾN THOẠI

Tủ bánh mì 2.000 đồng hoạt động trên tinh thần thiện nguyện nên cán bộ đương chức hay cán bộ hưu trí ai rảnh thì chủ động đến phụ giúp, không gượng gạo, ép buộc.

“Mỗi sáng có ít nhất 7-8 người đến làm bánh mì. Đây là công tác thiện nguyện để chăm lo cho người nghèo nên ai rảnh rỗi thì tham gia. Tôi cũng thế, thấy việc làm ý nghĩa nên khi có thời gian là tôi đến” - bà Dung chia sẻ.

Theo bà Bùi Thị Lệ Mai, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thống Nhất, đầu năm 2016, cán bộ, các bác tổ trưởng, bí thư tổ dân phố đã cùng góp tiền và tự mang dụng cụ đến để thành lập tủ bánh mì 2.000 đồng.

Về sau, một số nhà hảo tâm biết chuyện đã hỗ trợ thêm kinh phí, giúp tủ bánh mì của phường hoạt động, duy trì đến hôm nay.

banh-mi-1-2545.jpg
Tủ bánh mì 2.000 đồng được đặt tại trụ sở UBND phường Thống Nhất. Ảnh: TIẾN THOẠI

Theo bà Mai, tủ bánh mì 2.000 đồng của phường hoạt động mỗi buổi sáng thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, mỗi lần “bán” được khoảng 300 ổ. Số lượng này không nhiều, nhưng cũng phần nào đó san sẻ khó khăn với những người lao động nghèo trên địa bàn.

Bà Mai cho biết tủ bánh mì hoạt động sớm vì đây là thời gian người lao động nghèo đã thức dậy để mưu sinh.

Ngoài tủ bánh mì 2.000 đồng, UBND phường Thống Nhất còn thực hiện bếp cơm xã hội vào mỗi ngày thứ 7 hàng tuần với khoảng 250 suất cơm. Bếp cơm xã hội của phường Thống Nhất đặt tại số 96 đường Quang Trung, TP Buôn Ma Thuột và hoạt động tám năm qua. Tại đây, mỗi suất cơm được bán với giá tượng trưng 5.000 đồng/suất nhằm hỗ trợ người lao động nghèo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm