Báo chí đa nền tảng: Nhiều cơ hội, không ít nguy cơ

(PLO)- Song song với việc có nhiều cơ hội phát triển nhờ đa nền tảng, các cơ quan báo chí cũng phải đối mặt với những nguy cơ về giảm chất lượng tin tức, năng lực nhà báo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-6, tại trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM (KHXH&NV) đã diễn ra hội thảo “Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội”.

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV cho biết trong những năm gần đây, hoạt động báo chí – truyền thông đã có nhiều thay đổi để thích ứng với quá trình chuyển đổi số và đang chuyển biến theo xu thế truyền thông đa chiều, đa hình thái, đa nền tảng, đa tiếp nhận.

Hội thảo này là cơ hội để các đại biểu cùng thảo luận, đề xuất những giải pháp hiệu quả cho hoạt động báo chí trong quá trình chuyển đổi số cũng như đề xuất các nội dung mới trong giảng dạy, đào tạo.

Toàn cảnh hội thảo “Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội”. Ảnh: THU THẢO

Toàn cảnh hội thảo “Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội”. Ảnh: THU THẢO

Tại buổi hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà báo đã chia sẻ về những chủ để mới như vai trò của podcast trong truyền tải thông tin báo chí; đặc điểm video tin tức báo chí trên hai nền tảng TikTok, Youtube; tận dụng mạng xã hội để sản xuất, quảng bá chương trình trong thời điểm giãn cách xã hội,…

Chiến lược chuyển đổi sang đa nền tảng

Tại hội thảo, nhà báo Đỗ Văn Thiện, Trưởng ban Truyền hình – Đa nền tảng báo Pháp Luật TP.HCM, đã chia sẻ về đề tài “Từ báo in đến báo chí đa nền tảng: Thực tiễn và bài học khi sử dụng mạng xã hội”.

Ông Thiện cho rằng mạng xã hội làm thay đổi đáng kể cách tổ chức sản xuất, đăng tải thông tin của rất nhiều cơ quan báo chí và báo chí đa nền tảng là xu thế tất yếu của quá trình phát triển.

"Báo chí đa nền tảng có nhiều lợi ích, bao gồm có không gian rộng để thu hút nhiều bạn đọc, tăng nguồn thu, tạo xu hướng, định hình dư luận..." - ông Thiện chia sẻ và cho rằng để chuyển đổi từ “đơn nền tảng” sang “đa nền tảng”, các tờ báo cần thực hiện nhiều chiến lược khác nhau. Việc này có thể hình dung qua bốn vấn đề lớn.

Thứ nhất, phải thay đổi tư duy về sản xuất sản phẩm báo chí, tức là phải sáng tạo, chọn lọc thông tin để đăng tải trên các nền tảng khác nhau.

Thứ hai, báo chí đa nền tảng không thể tách rời kế hoạch chuyển đổi số của một số tờ báo, bao gồm khâu quản trị nội bộ, quy trình sản xuất thông tin...

Báo chí đa nền tảng: Nhiều cơ hội, không ít nguy cơ ảnh 2

Nhà báo Đỗ Văn Thiện, Trưởng ban Truyền hình – Đa nền tảng báo Pháp Luật TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THU THẢO

Thứ ba là tổ chức lại nguồn nhân lực, không chỉ tập trung nhân lực vào phần nội dung như vẫn thường thấy ở báo in và báo điện tử mà còn phải đào tạo, tuyển dụng nhân lực phục vụ báo chí đa nền tảng nhằm tạo ra các sản phẩm có tính trực quan cao, hấp dẫn, phù hợp cho từng nền tảng.

Cuối cùng, phải có một mô hình tổ chức nhân sự phù hợp để phát triển đa nền tảng, nhất là xây dựng các tổ có kiến thức về từng nền tảng như Facebook, Youtube,…để có những chiến lược sản xuất tin tức hiệu quả, “kéo” được nhiều tương tác.

Mô hình đa nền tảng của báo Thanh Niên

Cũng tại hội thảo, ông Đặng Văn Sinh, Biên tập viên báo Thanh Niên chia sẻ về “Mô hình phân phối thông tin đa nền tảng nhìn từ báo Thanh Niên”.

Ông Sinh cho biết báo Thanh Niên đã phân phối thông tin trên nhiều nền tảng, trong đó nền tảng chính là website, ứng dụng di động và mạng xã hội với những nội dung chuyên biệt. Đến nay, ngoài báo in, báo điện tử, ứng dụng di động, báo Thanh Niên đã xây dựng và vận hành hệ thống hơn 10 trang, kênh trên các mạng xã hội.

Mô hình đa nền tảng của Thanh Niên dựa trên tiêu chí tạo ra mạng lưới trang, kênh có nội dung chuyên biệt nhằm tạo ra những cộng đồng có cùng mối quan tâm, hỗ trợ tốt cho hoạt động quảng cáo, kinh doanh.

Để thích ứng với các nền tảng mới, báo Thanh Niên đã tái sắp xếp nhân sự chuyên trách để đăng tải, sản xuất thông tin phù hợp cho từng nền tảng. Nhờ những công nghệ mới, đặc biệt là livestream mà báo Thanh Niên có thể thực hiện các loại sản phẩm phi truyền thống mà trước nay chỉ có đài truyền hình mới làm được.

Nhờ hoạt động đa nền tảng, báo Thanh Niên đã đạt được những thành công nhất định, bao gồm số lượt theo dõi, lượt xem trên các nền tảng cao, thu về nguồn tiền đáng kể từ các nền tảng mạng xã hội.

Nguy cơ trong việc sản xuất nội dung báo chí trên mạng xã hội

Trong buổi hội thảo, Trưởng bộ môn Truyền thông, khoa Báo chí, trường ĐH KHXH&NV Huỳnh Văn Thông đã chia sẻ hai vấn đề về sản xuất tin tức báo chí trên mạng xã hội.

Vấn đề thứ nhất là bản chất của nhà báo chuyển dịch như thế nào khi làm tin tức báo chí trên môi trường truyền thông xã hội? Về vấn đề này, ông Thông khẳng định việc lao động của nhà báo chuyên nghiệp được định khung trong một số từ khóa, trong đó có từ “Kiểm chứng” (Verification).

Trưởng bộ môn Truyền thông, khoa Báo chí, trường ĐH KHXH&NV Huỳnh Văn Thông chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THU THẢO

Trưởng bộ môn Truyền thông, khoa Báo chí, trường ĐH KHXH&NV Huỳnh Văn Thông chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THU THẢO

Theo ông, một tin tức đưa đến công chúng phải qua quá trình kiểm chứng đầy đủ để đảm bảo tính chân thực và tin cậy. Tuy nhiên, nếu trải qua quá trình kiểm chứng đầy đủ thì sẽ đẩy báo chí vào tình trạng thua thiệt về tốc độ đưa tin theo kịp với nhu cầu của công chúng.

Ông Thông cho biết để thoát khỏi tình trạng này thì báo chí tìm cách thay thế tiêu chí “kiểm chứng” bằng “minh bạch”. Tức là thay vì đưa tới bạn đọc một thông tin đã kiểm chứng đầy đủ thì báo chí chuyển sang dạng đưa tin ngay cả khi chưa kiểm chứng nhưng giải thích về quy trình lựa chọn nguồn tin, chèn liên kết đến tài liệu nguồn… để độc giả tự giám sát và cập nhật độ chính xác thông tin.

Tuy nhiên, ông Thông cho rằng lối thoát này cũng đã vấp phải sự phản đối. Ông nhấn mạnh nhà báo là đại diện của sự thật, nếu thiếu tính kiểm chứng thì nhà báo sẽ không còn thực hiện được sứ mệnh là phản ánh sự thật của mình nữa.

Bên cạnh đó, nếu hiểu tính “minh bạch” của báo chí như một tiêu chuẩn để thay thế cho “kiểm chứng” thì đó là một biểu hiện thiếu tôn trọng đối với công chúng, thậm chí còn gây ra sự rối loạn thông tin thật, giả.

Vấn đề thứ hai mà ông Thông chia sẻ là là chất lượng tin tức sẽ đối mặt với nguy cơ gì trong bối cảnh thông tin từ mạng xã hội đang có vẻ áp đảo báo chí.

Theo ông Thông, việc cơ quan báo chí nỗ lực đầu tư cho chiến dịch SEO để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, chú trọng đến các dữ liệu thống kê phân tích độc giả để tăng cơ hội “được nhìn thấy” và “được chia sẻ” phản ánh rằng nội dung báo chí đang chạy theo các giá trị thương mại.

Việc tập trung vào khía cạnh thương mại trong sản xuất tin sẽ khiến tòa soạn có sự khuyến khích sai trái. Ví dụ, không ít tòa soạn khích lệ phóng viên viết các kiểu bài báo ngắn để xuất bản lên mạng xã hội, giật tít câu view... sẽ khiến chất lượng thông tin báo chí và chiều sâu tư duy trong các bài báo suy giảm, đồng thời ảnh hưởng đến danh tiếng cơ quan báo chí.

Ông Thông cũng cho rằng sự phụ thuộc vào hấp lực thương mại dựa trên sở thích của công chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin nghề nghiệp của nhà báo. Lúc này, các nhà báo sẽ tự khuyến khích mình theo đuổi những tin tức mà công chúng thích trong khi chất lượng tin tức ngày càng giảm và dẫn đến việc người dân mất niềm tin vào báo chí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm