Chuyển đổi số: Cơ hội để báo chí phục vụ công chúng tốt hơn

Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2022)

Chuyển đổi số: Cơ hội để báo chí phục vụ công chúng tốt hơn

(PLO)- Công nghệ phát triển đặt ra nhiều thách thức với báo chí, đồng thời đó cũng là cơ hội để báo chí phục vụ công chúng tốt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với một số người hiện nay, “chuyển đổi số” dường như là một khái niệm xa vời dành cho giới chuyên môn. Nhưng không, chuyển đổi số chính là công nghệ hiện đại đang được ứng dụng để phục vụ những nhu cầu thiết thực của con người. Chuyển đổi số trong báo chí là xu thế tất yếu để thay đổi tư duy, thay đổi từng khâu từ kinh doanh đến hoạch định, chuyển tải nội dung. Vì vậy, có thể khẳng định đây là cơ hội để báo chí phục vụ công chúng tốt hơn, cũng là cơ hội cho việc thụ hưởng thông tin của công chúng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân Dân, nói: “Xu hướng chuyển đổi số trong báo chí đã bắt đầu từ lâu và đặc biệt rõ nét từ khoảng năm 2010 khi lãnh đạo các cơ quan báo chí trên thế giới nhận thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của người dùng lên các nền tảng số. Khi đó trên thế giới đã nói đến những xu thế của báo chí hiện đại như “mobile journalism” (báo chí di động), “social journalism” (báo chí mạng xã hội), “data journalism” (báo chí dữ liệu) hay “innovative journalism” (báo chí sáng tạo)”.

. Phóng viên: Theo ông, báo chí Việt Nam đứng trước thách thức và cơ hội gì trong xu thế chuyển đổi số?

+ Ông Lê Quốc Minh: Báo chí Việt Nam cũng được đòi hỏi phải hòa trong công cuộc chuyển đổi số chung của toàn xã hội. Thực tế, báo chí Việt Nam thời gian qua đã nhanh chóng mở rộng hoạt động sang nền tảng kỹ thuật số, bao gồm cả việc xây dựng website, các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc đưa nội dung lên mạng xã hội.

Lượng người dùng tiếp cận nội dung kỹ thuật số của các cơ quan báo chí ngày càng đông đảo đã giúp lan tỏa rộng khắp những đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiều thông tin hữu ích. Tuy nhiên, đa số các cơ quan báo chí mới dừng ở khâu số hóa mà thôi. Để thực sự chuyển đổi số, mỗi cơ quan phải chuyển đổi toàn bộ quá trình sản xuất và phân phối thông tin, vận hành; phải tạo ra những sản phẩm mới mẻ, những mô hình kinh doanh mới, biết tận dụng dữ liệu về nội dung và công chúng.

Nói tới chuyển đổi số không có nghĩa là nói về công nghệ mà chính là nói về tư duy: Từ tư duy của người lãnh đạo cho đến ý thức của mọi PV, biên tập viên, nhân viên. Mua sắm thiết bị công nghệ và phần mềm hiện đại là điều đơn giản, xây dựng một chiến lược bài bản để tranh thủ thế mạnh riêng, nắm bắt loại công nghệ phù hợp, xây dựng nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành các công cụ digital của tương lai mới là điều quan trọng.

. Báo chí Việt Nam cần làm gì để không chỉ đi theo mà còn đón đầu xu thế chuyển đổi số?

+ Trước mắt cứ nói đến việc “chạy theo” cho kịp người dùng đã. Người dùng đang “di cư” một cách rất tự nhiên khỏi các nền tảng truyền thống sang các nền tảng kỹ thuật số và đa số các cơ quan báo chí vẫn còn đang loay hoay chưa biết phải làm gì. Trong những nghiên cứu về chuyển đổi số, các chuyên gia luôn nhấn mạnh phải coi người dùng là ưu tiên trên hết (audience-first), nghĩa là người dùng đi đâu thì chúng ta phải theo đó, xây dựng chiến lược nội dung cũng phải lấy người dùng làm trung tâm, đầu tư công nghệ gì cũng phải tính đến nhu cầu và thói quen của người dùng, không phải từ nhu cầu của cơ quan báo chí.

Chạy theo cho kịp thì bước kế tiếp mới là cố gắng đón đầu. Đương nhiên, đón đầu để có những chuẩn bị trước là điều lý tưởng nhưng trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay thì không dễ chút nào. Có rất nhiều xu hướng công nghệ, đón cho trúng với độc giả riêng của báo thì phải chọn công nghệ nào, liệu có chọn sai hay không, nếu chọn một hoặc một vài con đường đi thì đầu tư ra sao và ở mức độ nào? Chẳng hạn, xu hướng metaverse đang được nhắc đến gần đây, tuy chưa phổ biến trong xã hội nhưng một số cơ quan báo chí đã thử nghiệm thực hiện phỏng vấn trên metaverse. Đương nhiên là khó nhưng cũng cần đi tiên phong thử nghiệm và chấp nhận mắc sai lầm.

Người đi đầu khai phá luôn gặp nhiều trở ngại nhưng nếu thành công thì quả ngọt sẽ nhiều hơn những người đi sau.

. Ông có thể đánh giá vai trò nhà báo trong cuộc cách mạng công nghệ khi mạng xã hội và các nền tảng truyền thông tự do phát triển?

+ Nhà báo luôn là lực lượng tiên phong trong xã hội, xét về việc phát hiện và cung cấp thông tin cho người dùng. Nhưng trong bối cảnh hoạt động tác nghiệp báo chí có nhiều thay đổi, khi mà nội dung phải kết hợp với công nghệ để đạt hiệu quả cao hơn, để được lan tỏa rộng khắp hơn và trúng đối tượng hơn thì nhà báo cũng phải là những người đi đầu về áp dụng công nghệ.

Mỗi cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải nhận thức rõ sức mạnh của công nghệ để chủ động áp dụng trong hoạt động hằng ngày, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ, thay vì thụ động để bị cuốn trôi trong cơn lốc công nghệ.

. Khi công nghệ càng phát triển, người dân ngày càng tham gia vào hoạt động chia sẻ, cung cấp thông tin thì vai trò của báo chí ngày càng đi xuống, thậm chí có thể mất đi?

+ Thực tế cho thấy báo chí không còn là nơi duy nhất để người dân tiếp cận thông tin; báo chí cũng không còn là nơi duy nhất để người dân gửi gắm ý kiến, quan điểm; không còn là nơi duy nhất kết nối người dân với các cơ quan chức năng. Diễn biến này là hết sức bình thường, nhờ sự phát triển nhanh chóng của Internet, công nghệ nói chung, nhất là mạng xã hội. Và chúng ta phải chấp nhận thực tế mối quan tâm của công chúng đối với báo chí đang giảm đi. Theo nhiều cuộc thăm dò trong nước và quốc tế, niềm tin của công chúng với báo chí cũng giảm sút.

Tuy nhiên, thay vì than khó khăn và buông xuôi trước thực tại, cần khẳng định chính trong biển thông tin tràn ngập nhưng thật giả lẫn lộn hiện nay, vai trò của truyền thông và báo chí càng quan trọng hơn bao giờ hết. Khi người dùng “bơi” giữa biển thông tin như thế, họ cần những ngọn đèn hải đăng chỉ lối để không bị chìm. Khi họ đọc quá nhiều thông tin và không thể “tiêu hóa” hết thì sẽ cần quay về những cơ quan báo chí uy tín với nội dung chọn lọc, được sản xuất chuyên nghiệp, công bằng và cân bằng.

. Chuyển đổi số hứa hẹn công chúng sẽ được thụ hưởng báo chí, truyền thông thế nào?

+ Thực ra nên đặt vấn đề ngược lại nếu không chuyển đổi số thì báo chí sẽ thua thiệt những gì. Công chúng không chờ báo chí chuyển đổi rồi đi theo mà chính công chúng đã và đang di chuyển lên các nền tảng số. Báo chí không có cách nào khác là chạy theo để phục vụ họ. Thậm chí, báo chí còn phải đón đầu trước nhu cầu và xu hướng của người dùng để chuẩn bị sẵn sàng.

Trước kia công chúng đi tìm thông tin nhưng bây giờ thông tin tự tìm đến người dùng và nội dung ngày càng được cá nhân hóa ở mức độ cao. Nếu báo chí không hiện diện trên các nền tảng số thì công chúng sẽ tìm đến những nguồn thông tin khác và sẽ thật nguy hiểm nếu họ bị mắc kẹt trong biển thông tin thật giả lẫn lộn.

. Xin cám ơn ông.

Đọc thêm