Trẻ thừa cân ngày càng nhiều
Chị Hoàng Thu Hiền có con đang học lớp 1 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh cho hay con chị mới học lớp 1 nhưng nặng hơn 40 ký. Chị nghĩ con mập là do thể trạng con hấp thụ tốt, ở nhà ăn uống thoải mái, thích gì được nấy không phải làm việc gì ngoài ăn, chơi và học bài.
“Bình thường, con ăn uống ở trường như thế nào tôi cũng không hỏi nhiều, chỉ nghe con khoe hôm nay ăn món này món kia thôi. Chỉ lo con biếng ăn thôi chứ con ăn uống tốt là tôi sẵn sàng dẫn con đi ăn” - chị Hiền cho hay.
Chị MKT có hai con đều rơi vào diện thừa cân và béo phì nhưng chị vẫn thấy không đáng lo ngại, không có ý định điều chỉnh lại ăn uống cho con. Chị T. cho hay đứa con trai đầu của chị đang học lớp 3 nhưng đã nặng hơn 45 kg, còn bé gái sau mới năm tuổi nhưng cũng gần 30 kg. Vì con đều học cả ngày ở trường nên chị chỉ lo sẽ ảnh hưởng nhiều đến mắt và chân tay không khỏe chứ con vẫn ăn uống tốt.
Chị Minh có con học một trường tiểu học ở quận 4 cho hay bé con chị đã cao ngót nghét 150 cm và nặng đến 90 kg. Bé bị các bạn học thường xuyên gọi là “thằng mập”, thậm chí còn trêu đùa rằng: “Mày có cần mặc áo ngực cho phụ nữ không vậy?”. Chị nhớ lại: “Suốt thời gian đó bé cứ về nhà là nằm úp mặt vào gối mà khóc”.
Theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đưa ra vào cuối tháng 12-2015, tỉ lệ HS thừa cân, béo phì ở cả ba cấp học (tiểu học, THCS, THPT) tại TP.HCM đã tăng lên 41,9%, tăng gần gấp ba lần so với năm 2009. Trong số đó, tỉ lệ béo phì tăng từ 4% lên 19%. Càng ở các cấp học nhỏ tuổi tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì càng nhiều. Trong đó, béo phì ở nam nhiều hơn nữ sinh, với tỉ lệ 48,9% ở nam và 33,8% ở nữ. Ở tiểu học, trẻ thừa cân, béo phì cao nhất là 51,8%, kế đến là độ tuổi THCS là 33,5%.
Một buổi tập của CLB Chống béo phì tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh. Ảnh: PHẠM ANH
Gian nan “cuộc chiến” chống béo phì
Thầy Nguyễn Tấn Trung, giáo viên phụ trách CLB của Trường Phan Chu Trinh, cho hay CLB thành lập nhằm giúp các em vận động qua các bài tập, ảnh hưởng đến phần bụng và bắp đùi, giúp tiêu hao năng lượng.
“Sau một thời gian tập luyện, các em có thể chỉ giảm cân ít nhưng các em khỏe mạnh hơn, cơ thể săn chắc và nhanh nhẹn hơn, nhất là được giải trí sau những giờ học căng thẳng, để được chạy nhảy cùng bạn bè” - thầy Trung nói.
Theo thầy Trung, hiện CLB có gần 40 HS tự nguyện tham gia. Con số này còn rất nhỏ so với số trẻ thừa cân, béo phì trong trường. Thầy Trung cho hay chỉ tính trong hơn 600 HS bán trú của trường đã có khoảng 200 em thừa cân, béo phì. Nếu tính trong số gần 4.000 HS toàn trường thì con số trẻ thừa cân này con lớn gấp nhiều lần và tăng cao so với những năm trước, nhất là từ lớp 1 đến lớp 3 của khối bán trú.
Bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho hay giáo viên quan sát để điều chỉnh sinh hoạt của các em là chính. Như khi thể dục thì cho trẻ này tập nhiều hơn, khi ăn trưa thì nhân viên để ý để tăng rau củ quả cho những trẻ này, giảm thức ăn giàu chất đạm, béo. Còn lại trách nhiệm của gia đình là chính chứ nhà trường không có chế độ tập luyện hay ăn uống riêng cho những trẻ này được.
Đây cũng là vấn đề khó của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4. Theo Hiệu trưởng Phạm Thúy Hà, trong trường có đến ba đối tượng trẻ, cả trẻ béo phì nhiều, suy dinh dưỡng cũng nhiều và trẻ bình thường nên rất khó để đáp ứng đặc thù ăn uống và sinh hoạt cho những trẻ này. Chủ yếu giáo viên quan sát và nhắc nhở, quan tâm các em hơn.
Phải có căn-tin lành mạnh Ngoài nguyên nhân do ăn quá nhiều tinh bột, chất béo, học sinh hiện nay mắc phải béo phì, thừa cân do việc ngủ không đúng giờ giấc, lười vận động và không có thói quen rèn luyện sức khỏe. Giải pháp hiện tại là các trường học nên phối hợp với gia đình, cho các bé ăn rau hai phần/ngày, tương đương với việc ăn mỗi chén rau/bữa. Nhà trường nên hướng dẫn học sinh tăng cường vận động, mở thêm nhiều không gian để học sinh vui chơi thể dục thể thao, giảm hoạt động tĩnh tại, chuẩn hóa thực đơn bữa ăn học đường và triển khai căn-tin lành mạnh trong trường học. BS ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM Ngay cả việc thực hiện thực đơn dinh dưỡng học đường theo chuẩn của Nhật mà TP đang triển khai nhằm tăng rau củ quả cũng rất khó. Tiền ăn bán trú chỉ 26.000 đồng/bữa, trường có hơn 1.100 HS, chỉ có tám cấp dưỡng nên một tháng chỉ thực hiện được vài bữa vì nấu nhiều món quá, rất cực cho nhà bếp. Những trẻ mập thường ăn nhiều và nhanh. Nếu lấy ít thức ăn, các em ăn xong lại xin thêm mà không cho cũng thấy thương nên đành thôi. Bà PHẠM THÚY HÀ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP.HCM |