Sáng 5-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục họp thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp, trong đó có báo cáo của chánh án TAND Tối cao.
Đánh giá chung, TAND Tối cao cho rằng chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.
95 trường hợp xử án treo sai luật
Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn chỉ tiêu mà Quốc hội khóa 13 đề ra.
Trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Luật nhận xét hình phạt mà các TAND đã áp dụng cơ bản là nghiêm minh, đúng pháp luật, tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội.
Cạnh đó, việc cho các bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhất là đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, chức vụ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Các bị cáo được TAND cho hưởng án treo chiếm tỉ lệ gần 19%, trong đó hơn 99% các trường hợp cho hưởng án treo không bị hủy án, sửa án. Tuy nhiên, vẫn có 95 trường hợp được hưởng án treo chưa đúng pháp luật.
Đáng chú ý, VKS các cấp đã ban hành gần 640 kiến nghị yêu cầu các tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp thẩm tra ngày 5-9. Ảnh: Đ. MINH
Giả tâm thần: Vấn đề nghiêm trọng
Tại phiên thẩm tra, các thành viên của Ủy ban Tư pháp lên tiếng cảnh báo việc một số đối tượng làm hồ sơ giả bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi thực hiện hành vi phạm tội.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng giám định tâm thần đang là vấn đề nổi cộm hiện nay. Ông Chính ví von TP Hà Nội là “phát súng đầu tiên”, với việc bắt một số bác sĩ làm công tác giám định. Mới đây TAND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu xem xét lại việc giám định tâm thần đối với 11 vụ án.
Ông Chính cũng dẫn lại một vụ việc, tại phiên tòa luật sư cho rằng bị cáo bị tâm thần từ lúc nhỏ, sau đó tòa yêu cầu giám định. Kết luận giám định cho rằng bị cáo tâm thần từ trước, trong và sau khi phạm tội. Kết quả là tòa phải dừng xét xử, buộc đưa bị cáo đi chữa bệnh dù biết chắc việc giám định đó không đúng.
“Tất cả vụ án, nhất là những vụ án nghiêm trọng, hầu như các bị cáo đầu vụ khi giám định là tâm thần, buộc phải tách ra xét xử. Cho nên khi xét xử, các bị cáo khác cho rằng không nghiêm. Ở góc độ cơ sở, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị các cơ quan tư pháp trung ương xem xét lại vấn đề giám định tâm thần” - chánh án Hà Nội nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng hiện có hai vấn đề cần quan tâm. Một dạng là một số người tâm thần, lẽ ra phải điều trị lại để ở ngoài xã hội gây án. Loại thứ hai, có một số đối tượng khi phạm tội thì rất bình thường nhưng đến khi xử lý thì đưa ra bệnh án tâm thần hoặc có giám định là bị tâm thần khi phạm tội nên không xử lý được.
“Chúng tôi đã cảnh báo từ năm 2013, đề nghị Chính phủ xử lý vấn đề này nhưng không được trả lời. TP Hà Nội vừa phát hiện một vụ với 90 bệnh án tâm thần giả. Không riêng ở Hà Nội, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đưa tin một nguyên giám đốc bỗng tâm thần khi bị điều tra. Đề nghị Chính phủ kiểm tra lại, vì đây vấn đề nghiêm trọng” - bà Lê Thị Nga nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an rà soát, kiểm tra các quy trình khám, chữa bệnh, xác định pháp y tâm thần và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng vụ việc vừa xảy ra ở TP Hà Nội là “hết sức điển hình”. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ kiểm tra và báo cáo kỹ về vấn đề này.
Đã thụ lý gần 64.000 vụ án hình sự Báo cáo của chánh án TAND Tối cao cho biết từ ngày 1-10-2017 đến ngày 31-7-2018, các tòa án đã giải quyết được trên 350.000 vụ việc, trong tổng số hơn 475.000 vụ việc đã thụ lý (đạt tỉ lệ 74,5%). Số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong đó, các tòa án đã thụ lý gần 64.000 vụ án hình sự với gần 109.000 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được hơn 54.000 vụ với hơn 90.000 bị cáo. |