Chỉ trong vòng một tuần, tại hai tỉnh Quảng Bình và Khánh Hòa có đến 15 học sinh bị đuối nước rất thương tâm, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ.
Những cái chết thương tâm
Sáng 29-5, ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), cho biết tại địa bàn xã vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến ba em học sinh tử vong. Ba nữ sinh gặp nạn gồm: Đinh Thị Hồng Thuyên (vừa học xong lớp 7), Trần Thị Huệ, Trương Thị Thuyên (cùng 10 tuổi, học lớp 4 tại trường tiểu học ở địa phương).
Tối 28-5, ba em cùng nhau đi bắt cua tại một con suối gần nhà nhưng đến khuya không thấy trở về nên người nhà vội vã đi tìm. Khoảng 4 giờ ngày 29-5, thi thể ba em được tìm thấy. Ông Đá cho biết gia cảnh của ba em rất khó khăn nên ngoài việc học các em thường xuyên đi mò cua, bắt ốc để phụ giúp gia đình. Trong ba nạn nhân có một em có cha mẹ đi làm ăn tại miền Nam, em ở cùng ông bà nội.
Trước đó, sáng 23-5, sau khi dự lễ tổng kết năm học tại Trường THCS Thanh Thạch (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), một nhóm gồm tám học sinh nữ đã rủ nhau ra sông Gianh (đoạn qua xã Thanh Thạch) để tắm. Trong lúc tắm, có ba học sinh Nguyễn Thị Hà Trang, Nguyễn Cẩm Ly, Nguyễn Thị Hương (12 tuổi, đều là học sinh lớp 6 Trường THCS Thanh Thạch) bị đuối nước.
Đến chiều 23-5, thêm hai học sinh tại xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) xuống sông tắm cũng bị đuối nước thương tâm.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, chỉ trong vòng một tuần của tháng 5 đã xảy ra ba vụ đuối nước làm bảy học sinh tử nạn. Trong đó riêng thị xã Ninh Hòa có đến sáu em học sinh.
Các em học sinh tập bơi tại một trung tâm ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cấp thiết phổ cập bơi lội
Ngày 19-5 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu: “Có rất nhiều chỉ đạo và từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh nhưng đến nay mới chỉ có gần 1.000/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Chúng ta phải thực sự làm nghiêm túc, trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân, đặc biệt của trẻ em”.
Theo Phó Thủ tướng, biết bơi chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước như vực xoáy, sụt cát, nước sâu; hạn chế rủi ro thiên tai bằng các biện pháp như giữ rừng, cấm hút cát ven sông…
Sau lễ phát động tại Hà Nội, các tỉnh, thành cũng lần lượt tổ chức các lễ phát động phòng, chống đuối nước. Ngay trong tuần lễ xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, sáng 28-5, tại Trường Tiểu học số 1 Thanh Thạch (Bố Trạch), Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện Bố Trạch tổ chức lễ phát động phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2019; thực hiện dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” do quỹ từ thiện Bloomberg Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) và Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) là chủ dự án.
Ngày 1-6 tới đây TP.HCM cũng tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước. Mục đích của sự kiện là nhằm vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và cho cộng đồng, từng bước giảm tai nạn đuối nước.
Ở cấp TP lễ phát động dự kiến có tối thiểu 1.000 người, tham gia kiểm tra bơi phổ thông tối thiểu 500 người. Ở cấp quận, huyện tối thiểu sẽ có 600 người dự lễ và tối thiểu 300 người tham gia kiểm tra bơi phổ thông. Ở cấp phường, xã, thị trấn có điều kiện thuận lợi thì có thể tự tổ chức với số người tham dự tối thiểu là 300 người.
Không chỉ là những buổi lễ phát động hoành tráng, đã đến lúc các cấp, các ngành cần có những động thái, những chương trình hành động cụ thể hơn nữa để mỗi trẻ em Việt Nam đều có thể bơi lội, đều biết các kỹ năng phòng tránh đuối nước.
Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tại TP.HCM - Thực hiện chương trình giảng dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường có hồ bơi tổ chức dạy bơi cho tất cả học sinh trong trường, đảm bảo 100% học sinh biết bơi sau khi ra trường… Khuyến khích học sinh tham gia tập luyện bơi lội và thành lập đội năng khiếu, CLB bơi lội trong nhà trường; - Tổ chức giải bơi lội học sinh và các hoạt động thể thao dưới nước như tổ chức festival bơi lội học sinh cấp quận; tổ chức giải bơi lội Hội khỏe Phù Đổng cấp quận; tổ chức ngày hội xuống nước… - Bồi dưỡng tập huấn giáo viên và học sinh về bơi lội. Cuối cùng, cấp giấy chứng nhận phổ cập bơi học đường. Những học sinh có tham gia tập luyện bơi lội thường xuyên, có sức khỏe, có khả năng bơi từ 25 m trở lên đều được quyền đăng ký kiểm tra, nếu đạt sẽ được cấp thẻ chứng nhận bơi học đường. Một năm ở Việt Nam có trên 6.000 người, trong đó có gần 2.000 trẻ em bị chết do đuối nước, tỉ lệ bằng khoảng 5,9/100 ngàn người. Tỉ lệ này cao gấp 10 lần so với các nước phát triển và cao hơn tỉ lệ các nước ASEAN là 5,2/100 ngàn người. Mức độ trung bình thế giới là 4,3/100 ngàn người. |