Báo động thi công trạm dừng nghỉ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chưa được cấp phép

(PLO)- Theo cơ quan chức năng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn khi thi công trạm dừng nghỉ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi chưa có thỏa thuận cấp phép, đấu nối và chưa đảm bảo an toàn.  

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-12, tin từ Văn phòng Ban quản lý đường bộ IV.2, Khu Quản lý đường bộ VI, Bộ GTVT (văn phòng) cho biết vừa có văn bản gửi đơn vị thi công liên quan đến việc san lấp mặt bằng trạm dừng nghỉ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

trạm dừng nghỉ
Trạm dừng nghỉ đang san lấp mặt bằng. Ảnh PN

Thi công khi chưa có thỏa thuận cấp phép

Theo đó, văn phòng đã phối hợp Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam kiểm tra hiện trường thi công dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Qua kiểm tra, các bên xác định nhà đầu tư và nhà thầu đang triển khai thi công trạm dừng nghỉ tại Km47+500 khi chưa có thỏa thuận cấp phép thi công; đấu nối (đường tạm) từ trạm dừng nghỉ ra tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

tram-dung-nghi (3).jpg
Thi công tuyến đường nối nhưng lắp đặt cảnh báo rất sơ sài. Ảnh PN.

Nhà đầu tư, đơn vị thi công đã để các phương tiện ra, vào và kéo đất, đá ra tuyến cao tốc gây nguy cơ mất an toàn, tai nạn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua đoạn tuyến này trong khi các phương tiện đang lưu thông trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với tốc độ tối đa 120 km/h. Ngoài ra, theo văn phòng việc san lấp còn ảnh hưởng đến khả năng thoát nước dọc tuyến cao tốc.

“Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, văn phòng đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, liên hệ đến cơ quan quản lý có thẩm quyền để thỏa thuận cấp phép thi công trạm dừng nghỉ Km47+500; có giải pháp đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến khi thi công trạm dừng nghỉ. Nếu chậm trễ khắc phục để xảy ra mất an toàn, tai nạn giao thông và các vấn đề liên quan khác thì nhà đầu tư và đơn vị thi công hoàn toàn chịu trách nhiệm” - văn bản trên kết luận.

tram-dung-nghi (12).jpg
Dấu bánh xe vận chuyển vật liệu ra vào công trình. Ảnh PN.

Thi công thiếu biện pháp an toàn

Được biết, hơn một tháng qua tại khu vực Km47+500 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, đơn vị thi công trạm dừng nghỉ đã đưa nhiều xe cơ giới đến để vận chuyển vật liệu, san lấp và đang ủi các tuyến đường đất nối với tuyến cao tốc này.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đơn vị thi công chỉ lắp hai bảng ở hai đầu rồi căng dây nhựa và đặt vài chóp nón dọc theo khu đất xây trạm dừng nghỉ để thông báo “phía trước có công trường”.

Một tài xế thường xuyên qua lại tuyến cao tốc này cho rằng đơn vị thi công có thiếu sót khi lắp đặt cảnh báo sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn bởi thời điểm cuối năm có rất nhiều phương tiện lưu thông.

Theo biên bản của Văn phòng Ban quản lý đường bộ IV.2 thì đơn vị thi công đã không có biện pháp an toàn khi thi công công trình cao tốc đang khai thác.

tram-dung-nghi (8).jpg
Rất nhiều xe cơ giới đang thi công và chỉ cách mép đường cao tốc bằng một dây nhựa căng ngang. Ảnh PN.

Trạm dừng nghỉ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được xây dựng tại km 47+500 thuộc xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư được cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam phê duyệt, nhà đầu tư trúng thầu với giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước 260 tỉ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án hơn 290 tỉ đồng; giá trị bồi thường, tái định cư hơn 3,34 tỉ đồng.

tram-dung-nghi (13).jpg
Tốc độ tối đa cho phép trên tuyến cao tốc này là 120km/h, rất nguy hiểm nếu như không có giải pháp an toàn khi thi công dự án. Ảnh PN.

Dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tiến độ tổng thể 15 tháng. Trong đó, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công là 12 tháng. Thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành đầu tư là 25 năm.

Các hạng mục xây dựng thuộc trạm dừng nghỉ bao gồm công trình dịch vụ công; công trình dịch vụ thương mại và công trình bổ trợ. Công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) gồm bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm