Ngày 24-5, BS Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Sản - Nhi Phú Yên, xác nhận cháu STNN (bốn tuổi, ngụ thôn Ma Y, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) đã tử vong sau thời gian điều trị tại BV này do bị rắn cắn.
Bé gái tử vong vì không có huyết thanh
Theo BS Minh, cháu N được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa đến BV Sản - Nhi Phú Yên lúc 2 giờ 30 ngày 16-5, trong tình trạng lơ mơ, khó thở. Khoảng 10 phút sau cháu ngưng thở, BV phải đặt nội khí quản cho cháu.
“Qua hình ảnh do người nhà cung cấp, BV xác định rắn cắn cháu N là rắn cạp nia, một loài rắn rất độc, hiếm gặp. BV không có huyết thanh kháng nọc loài rắn này nên chuyển cháu đến BV đa khoa tỉnh Phú Yên để điều trị. Tuy nhiên, nơi đây cũng không có huyết thanh, do đó cháu được chuyển trở lại BV Sản - Nhi Phú Yên” - BS Minh nói.
|
Bác sĩ Trần Thái Tuấn thăm khám cho bệnh nhân bị rắn cắn. Ảnh: HH |
Cũng theo BS Minh, BV Sản - Nhi Phú Yên đã liên hệ với BV tuyến trên là BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) nhưng được trả lời là không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. “Chúng tôi tiếp tục liên hệ với một số BV khác ở TP.HCM để chuyển cháu vào điều trị nhưng các BV đều nói không có loại huyết thanh này. Nếu chuyển vào thì cháu chỉ điều trị thở máy, trong khi cháu đã suy hô hấp, bị liệt” - BS Minh thông tin thêm.
Trước tình hình trên, BV Sản - Nhi Phú Yên đã mời các bác sĩ của BV đa khoa Phú Yên hội chẩn, tiến hành điều trị tích cực cho cháu N. Tuy nhiên, độc tố nhanh chóng gây liệt thần kinh, suy hô hấp, dẫn đến suy gan, suy thận ngay sau đó. Sau năm ngày nằm viện, gia đình xin BV cho cháu N về nhà vì thấy cháu khó qua khỏi. Đến ngày 22-5, cháu N qua đời trong sự đau đớn, bất lực của người thân.
Bệnh viện thiếu nguồn cung cấp
“Bình thường BV Sản - Nhi Phú Yên vẫn dự trữ các loại huyết thanh kháng nọc rắn, riêng rắn cạp nia thì BV chưa có huyết thanh do là loài rắn hiếm. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận ca rắn cạp nia cắn, BV đang tìm mua loại huyết thanh này để dự trữ” - BS Minh nói.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cũng cho biết khoảng một năm nay, BV không còn huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Huyết thanh này trước đây nhập khẩu từ Thái Lan nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm ngoái cho đến nay chưa có hàng trở lại. Không chỉ huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia mà BV còn thiếu cả huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa.
BS Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn, khi không có huyết thanh phải phối hợp nhiều biện pháp điều trị triệu chứng như hỗ trợ thở máy, lọc máu, truyền chế phẩm đông máu, thay huyết tương, chạy ECMO... Thời gian chữa trị trung bình 7-14 ngày, chi phí cao hơn, có thể gặp nhiều biến chứng.
“Đa số bệnh nhân bị nhiễm độc thần kinh, liệt, phải thở máy và chờ khoảng 1-2 tuần nọc rắn mới bán hủy tùy theo lượng nọc nhiều hay ít. Hầu hết trường hợp vào viện sớm đều được cứu sống. Hiện BV Nhi đồng 1 chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, lục đen, chàm quạp” - BS Phương cho hay.
Không dám nhập vì… sợ lỗ
BS Phương chia sẻ từ lâu BV Nhi đồng 2 đã không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, huyết thanh này trong nước không sản xuất được, các công ty dược cũng không muốn nhập về do phải nhập số lượng lớn.
Tương tự, BS CK2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 2, cho biết BV hiện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Huyết thanh này rất hiếm khi được xài do hiếm có bệnh nhân, hết hạn sử dụng phải bỏ đi sau khi lưu trữ 1-2 năm, do đó các công ty dược không muốn nhập về. Trong năm 2021, BV chưa tiếp nhận ca nào bị rắn cạp nia cắn nên chưa phải sử dụng huyết thanh này.
“BV thường dự trù sẵn một số loại huyết thanh kháng nọc rắn hay gặp như lục tre, chàm quạp, hổ đất… Lâu lâu gặp một ca rắn hổ chúa cắn BV thường liên hệ một trong những trung tâm tiếp nhận nhiều nhất các ca bị rắn độc cắn là BV Chợ Rẫy để mua lại huyết thanh. Nếu không có huyết thanh, các bác sĩ bắt buộc phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ như máy thở, từ từ thải độc… Quá trình điều trị vì thế phải kéo dài, dễ xuất hiện biến chứng” - BS Phát chia sẻ.
BS Phát cũng cho rằng cần có một đầu mối chung để nhập một số lượng nhất định các loại huyết thanh kháng nọc rắn hiếm gặp, sau đó phân bổ cho các cơ sở thường xuyên tiếp nhận các ca bị rắn độc hiếm cắn, chấp nhận thiệt hại về kinh phí và phải bỏ đi số huyết thanh hết hạn sử dụng.
Còn theo BS Trần Thái Tuấn, Trưởng Khoa nội thận - tiết niệu BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận, từ cuối tháng 4-2022 đến nay, BV đã tiếp nhận điều trị 20 trường hợp bị rắn độc cắn, chủ yếu là chàm quạp, lục đuôi đỏ, rắn hổ… “Do không có huyết thanh kháng nọc rắn nên chúng tôi điều trị bằng các phác đồ kháng sinh, khánh viêm và truyền huyết tương. Các trường hợp bị rắn hổ cắn thì phải lọc máu. Đến nay chưa có trường hợp nào tử vong, năm ca rất nặng cũng được điều trị tạm ổn” - BS Tuấn cho hay.
Việt Nam đã sản xuất được nhưng chờ cấp phép!
Rất đau lòng khi nghe thông tin cháu bé bị rắn cắn tử vong vì không có huyết thanh. Loài rắn cắn cháu rất hiếm gặp và kháng huyết thanh cũng chỉ có hạn dùng nhất định.
Ở các BV lớn như Bạch Mai có khoa chống độc thì họ có sử dụng loại huyết thanh này. Còn các BV tỉnh hầu như không có dự phòng vì rất hiếm gặp. Viện Vaccine đã sản xuất được, kiểm định xong nhưng vẫn đang chờ cấp phép.
TS ĐỖ THÁI HÙNG, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang
Đề nghị nhập huyết thanh điều trị rắn cắn
Hiện nay, tình trạng không có huyết thanh kháng nọc rắn xảy ra trên toàn quốc. Bộ Y tế chưa nhập được huyết thanh về phân bổ.Mới đây, BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Y tế nhập huyết thanh về để điều trị cho các bệnh nhân.
Ông LÊ HUY THẠCH, Phó Giám đốc BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận