Hội thảo về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em trên địa bàn TP.HCM diễn ra ngày 26-9.
Số liệu từ VKSND TP cho biết ba năm qua, CQĐT đã khởi tố 340 vụ, 241 bị can về các tội XHTD. Trong đó, 310 vụ, 220 bị can về các tội XHTD trẻ em, chiếm 91,17% tổng số vụ.
Đặc biệt, số vụ XHTD tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm 2019. Trong 207 bị cáo bị xét xử về tội XHTD trẻ em, có hai bị cáo chịu mức án chung thân, một bị cáo 24 năm tù, một bị cáo 20 năm tù.
Phần lớn các vụ XHTD tập trung ở các địa bàn đông dân cư, nhiều phòng trọ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều dân nhập cư… như Bình Chánh (29 vụ), Bình Tân (24 vụ). Trong đó, 81,36% vụ nạn nhân và người phạm tội có mối quan hệ quen biết, có tình cảm với nhau.
Ảnh minh họa
Dự báo trong thời gian tới, số lượng thông tin tố giác về tội phạm; số vụ việc liên quan đến XHTD trẻ em có xu hướng tăng cả về số lượng; tính chất; mức độ táo bạo của hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm.
Ông Trần Nam Thắng (Phó Trưởng phòng 2, VKS TP) cho rằng việc quy định hành vi cụ thể bị vướng mắc. BLHS 2015 chưa quy định rõ thế nào là hành vi XHTD, giao cấu, quan hệ tình dục khác, dâm ô… như tại các Điều 145, Điều 146, Điều 147 BLHS 2015.
Những vụ này thường không bắt quả tang, không có người làm chứng, bị hại còn quá nhỏ hoặc nhận thức hạn chế nên không trình báo cơ quan chức năng mà tự gặp nhau thỏa thuận.
Việc thiếu các quy trình, hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân bị xâm hại cũng là một trong những khó khăn. UBND TP đang dự thảo Quy trình can thiệp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và XHTD.
Phần lớn công an các xã, phường chưa có kinh nghiệm, kỹ năng xử lý loại tội phạm này hoặc chưa nhận thức đầy đủ việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm nên làm chậm trễ.
Gia đình không biết, đã cho con em mình tắm rửa, giặt giũ quần áo sau khi sự việc xảy ra dẫn đến không ít chứng cứ quan trọng bị mất, việc giám định trở nên khó khăn. Ngoài ra, do áp lực oan sai nên có những vụ việc, VKS tỏ ra quá thận trọng, cầu toàn trong việc đánh giá và sử dụng chứng cứ.
Theo ông Thắng, để giải quyết những vướng mắc trên, BLHS cần quy định hành vi quấy rối tình dục là một tội độc lập nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành những hành vi vi phạm vào các tội có tính chất nguy hiểm, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Được biết, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn cụ thể, thống nhất về các tội liên quan đến XHTD đối với người dưới 16 tuổi. Đề nghị Cơ quan trung ương sớm tổ chức triển khai. Có hướng dẫn bổ sung thế nào là hành vi gạ gẫm, gợi ý rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận hành vi tình dục một cách thụ động và từ xa thông qua các giác quan như nghe, nhìn… cũng là hành vi “dâm ô” vì nó tác động đến tâm sinh lý của nạn nhân.
Việc bổ sung và phân loại rõ các tội danh liên quan đến XHTD ở trẻ em có thể bảo vệ trẻ em từ xa và hoàn toàn có cơ sở cũng như có căn cứ pháp lý để xử lý hình sự các hành vi tình dục đối với trẻ em.