Ngày 29-8, đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND quận Tân Bình, TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Bà Phan Thị Hồng Tiến (Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình) báo cáo từ năm 2015 đến tháng 6-2019, địa phương này có 38 trẻ em bị xâm hại, gồm 30 trẻ nữ và tám trẻ nam.
Xâm hại tình dục nhiều nhất
Trong số này có sáu trẻ em bị xâm hại bạo lực, 19 trẻ bị xâm hại tình dục, ba trẻ bị bỏ rơi và có 10 trẻ bị các hình thức gây tổn hại khác. Việc xâm hại trẻ em xảy ra ở các phường có nhiều dân nhập cư, phòng trọ. Một trong các nguyên nhân là do cha mẹ thiếu quan tâm, lơ là, chủ quan đối với con em trong sinh hoạt, học tập. Cạnh đó, vì lợi ích vật chất và thỏa mãn nhu cầu cá nhân, các đối tượng thực hiện hành vi, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xem thường pháp luật.
Theo bà Tiến, trong bốn năm qua quận đã tổ chức thực hiện 16 cuộc tập huấn, truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 15 phường thuộc quận đều có cán bộ làm công tác trẻ em, tiếp cận thông tin, báo cáo và phối hợp với các cơ quan liên quan để can thiệp. Đại diện UBND quận kiến nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm xâm hại về tình dục trẻ em…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) thắc mắc, báo cáo của UBND quận có 38 trẻ em bị xâm hại, báo cáo của công an và VKSND quận là 43, báo cáo của TAND quận là 28, vậy con số nào đúng? Bà Hoa cũng đề nghị quận cung cấp số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại nhưng đã được hỗ trợ, can thiệp cùng các biện pháp và hiệu quả đã thể hiện.
Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Trưởng Công an quận Tân Bình (TP.HCM), tại buổi làm việc. Ảnh: Y.CHÂU
Giảm số lượng nhưng mức độ nghiêm trọng
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) đặt vấn đề, báo cáo của công an quận tổng số vụ thụ lý là 35 vụ/31 bị can, vậy những vụ chưa xác định được bị can cần nêu rõ lý do. Trong số này có những vụ bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, vậy nguyên nhân nào? Trong báo cáo nêu khó khăn đối với việc xử lý các vụ án xâm hại là sự việc xảy ra lâu nên khó thu thập dấu vết, vậy có giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề này?
Theo ông Nguyễn Viết Dũng (Phó Trưởng Công an quận Tân Bình), số liệu trong báo cáo là từ tháng 1-2015 nhưng có những vụ tiếp nhận cuối năm 2014 và khởi tố trong năm 2015. Do vậy, quận nên sẽ xem lại số liệu của kỳ trước năm 2015 để tính lại con số. Ông Dũng thông tin hiện quận có hai vụ án phải tạm đình chỉ, một vụ phải đình chỉ vì chỉ có lời khai của hai trẻ, thời gian xảy ra đã lâu và không xác định được đối tượng có hành vi xâm phạm. Đối với các vụ trả hồ sơ là do phát sinh tình tiết mới, có trường hợp yêu cầu trả hồ sơ để cử người đại diện hợp pháp cho bị hại.
Chưa có phòng xử thân thiện Hiện nay TAND quận đã đưa ra xét xử 27 vụ/29 bị cáo, có 19 vụ xâm hại tình dục, còn tám vụ liên quan đến người bị hại trong các vụ cướp giật. Trong số các vụ án đưa ra xét xử có năm vụ xử án treo. Chúng tôi chưa thực hiện được phòng xét xử thân thiện bởi vì cơ sở vật chất hiện tại không đủ điều kiện. Đại diện TAND quận Tân Bình, TP.HCM Báo cáo lại số liệu chính xác Tôi yêu cầu UBND quận Tân Bình chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện lại báo cáo, cung cấp một số tài liệu trong đó có số liệu các vụ án xâm hại trẻ em mà bị cáo được hưởng án treo, gửi cho đoàn giám sát trước ngày 15-9. Ông PHAN THANH BÌNH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
Ông Dũng phân tích, đấu tranh với loại tội phạm này có nhiều khó khăn khi hầu như việc xâm hại diễn ra không có nhân chứng hay camera ghi lại. Tâm lý trẻ em không ổn định, thường thay đổi lời khai trong khi các điều tra viên lại bị hạn chế mời bị hại để tránh những tổn thương. Mặt khác, ngay sau khi bị xâm hại, bị hại không trình báo, không kể cho người thân biết sự việc. Cũng có trường hợp hai bên tự thỏa thuận, khi không thành thì mới đi tố cáo gây khó khăn cho việc thu thập dấu vết, chứng cứ.
Về báo cáo của VKS quận, ông Hà đề nghị nêu cơ sở nào khi nhận định thời gian tới việc xâm hại trẻ em có xu hướng giảm nhưng có tính chất nghiêm trọng, mức độ phức tạp. Số bị cáo bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn đến ba năm là 14 vụ nhưng chưa rõ bao nhiêu vụ bị cáo được hưởng án treo.
Đại diện VKSND quận trả lời, nhận định này thể hiện trên số liệu giảm qua từng năm và vụ việc ngày càng phức tạp. Chẳng hạn, sáu tháng đầu năm 2019 chỉ có hai vụ nhưng rất phức tạp. Một vụ đã truy tố bị can về hành vi dâm ô đã đủ chứng cứ nhưng lại phát sinh thêm tình tiết mới khi phát hiện trên cơ thể cháu bé có tế bào nam nhưng không phải của người này, VKS phải tiếp tục giám định, xác minh.
Thầy giáo quen qua Zalo dụ dỗ để “quan hệ” Theo báo cáo của Công an quận Tân Bình, trong 37 đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em có một đối tượng là người ruột thịt, người thân thích khác; hai đối tượng là giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời có một đối tượng là người có trách nhiệm chăm sóc, chữa bệnh của trẻ em; 20 đối tượng là người quen của trẻ em, 13 đối tượng khác. Các dạng hành vi xâm hại gồm: Dụ dỗ, cho tiền để bị hại chụp ảnh, ghi clip sex sau đó phát tán trên mạng; bị hại và đối tượng đồng ý quan hệ tình dục; thầy giáo quen qua Zalo dụ dỗ để quan hệ tình dục; thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản; là người yêu của nạn nhân. Vất vả dạy dỗ, chăm sóc trẻ lang thang Chiều 29-8, đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc tại một số cơ sở bảo trợ chăm sóc trẻ em tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Trung tâm Công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên TP cho biết từ năm 2015 đến nay, trung tâm tiếp nhận 408 lượt học viên, là các em thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, sống lang thang, ăn xin, không nơi cư trú từ 8 đến 16 tuổi. Theo các cán bộ trung tâm, các em nhỏ có thời gian bươn chải, thất học, va chạm với nhiều thành phần phức tạp trong xã hội nên các em ngang bướng, thiếu thành thật, luôn cảnh giác với mọi người xung quanh. Các thầy cô ở đây đã phải khá vất vả để có thể đưa các em vào nề nếp, tin tưởng trở lại vào người lớn. Trung tâm cũng đã chủ động tìm kiếm, vận động gia đình đưa các em hồi gia và hơn một nửa học viên đã được hồi gia có theo dõi. Trung tâm Nuôi dưỡng - bảo trợ trẻ em Gò Vấp đang nuôi dưỡng trên 200 em là những trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, nhiều em bé bị bệnh tật hiểm nghèo. Các nhân viên của trung tâm luôn vượt qua chính mình để chăm sóc chu đáo cho các em. Trung tâm cũng nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương xác minh nguồn gốc trẻ bị bỏ rơi để vận động gia đình đưa các em hồi gia. Đoàn giám sát đánh giá cao sự nỗ lực chăm sóc trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt của các ban, ngành và các cơ quan chức năng của TP.HCM. HỒNG MINH |