Những ngày qua, xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đang cho thấy những dấu hiệu lan rộng đáng báo động.
Với sự tham gia ngày càng sâu của các quốc gia và các chủ thể phi quốc gia vào cuộc xung đột, giới phân tích lo ngại rằng cuộc chiến ở Dải Gaza sẽ biến Trung Đông thành “thùng thuốc súng”.
Bảy mặt trận và còn hơn thế nữa
Ngày 26-12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói rằng Israel đang trong cuộc chiến “đa mặt trận” khi bị tấn công từ nhiều phía. “Chúng tôi đang bị tấn công từ bảy khu vực khác nhau gồm Dải Gaza, Lebanon, Syria, Bờ Tây, Iraq, Yemen và Iran” - theo ông Gallant.
Tính đến ngày 28-12, xung đột Israel - Hamas đã làm 21.110 người Palestine ở Dải Gaza thiệt mạng và 53.243 người bị thương, theo số liệu từ cơ quan y tế Dải Gaza.
Căng thẳng trên chiến trường Dải Gaza và Bờ Tây (Palestine) là điều không phải bàn cãi nhưng sự leo thang các cuộc đụng độ xuyên biên giới giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) cũng nguy hiểm không kém.
Theo một thống kê của hãng tin AFP, tính đến nay, giao tranh giữa Israel và Hezbollah đã khiến 120 người Lebanon thiệt mạng (hầu hết là chiến binh Hezbollah cùng một binh sĩ Lebanon và 17 dân thường), phía Israel cũng báo cáo bảy binh sĩ và bốn dân thường thiệt mạng. Ngoài ra, giao tranh cũng khiến Israel sơ tán khoảng 70.000 người khỏi biên giới với Lebanon, còn Lebanon chứng kiến khoảng 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Một mặt trận khác, nóng lên trong những ngày gần đây chính là Syria. Ngày 25-12, Iran cáo buộc Israel ám sát cố vấn cấp cao lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran Sayyed Razi Mousavi trong cuộc không kích ở ngoại ô thủ đô Damascus (Syria). Mặc dù Israel không nhận trách nhiệm vụ tấn công nhưng Iran tuyên bố sẽ khiến Israel “phải trả giá cho tội ác này”.
Bên cạnh đó, xung đột Israel-Hamas cũng lan sang Yemen - nơi dù chưa có sự tham gia trực tiếp của Israel nhưng cũng rất đáng ngại. Cụ thể, phong trào vũ trang Hồi giáo Houthis (Yemen) những ngày qua đã liên tục tấn công tàu thuyền đi qua Biển Đỏ bất chấp sự hiện diện của liên minh bảo vệ Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu.
Chỉ trong ngày 27-10, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ thông báo đã bắn hạ 12 máy bay không người lái (UAV) tấn công, ba tên lửa đạn đạo chống hạm và hai tên lửa hành trình mà Houthis phóng vào phía nam Biển Đỏ.
Tại Iraq, ngày 25-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lệnh cho quân đội Mỹ không kích vào các cơ sở của lực lượng dân quân Kataib Hezbollah (được Iran hậu thuẫn) sau khi ba binh sĩ Mỹ bị thương trong một cuộc tấn công bằng UAV ở miền Bắc Iraq.
Ngoài “bảy mặt trận” theo lời Bộ trưởng Gallant, cuộc xung đột Israel-Hamas cũng đang cho thấy những “dấu chân đáng ngại” đầu tiên ở Ấn Độ, theo đài CNN.
Cụ thể, ngày 24-12, Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc một UAV “phóng từ Iran” đã nhắm mục tiêu vào tàu chở hóa chất ngoài khơi Ấn Độ, đánh dấu vụ tấn công đầu tiên cách xa Biển Đỏ kể từ đầu cuộc xung đột Israel-Hamas. Đáp lại, Tehran cho rằng cáo buộc của Washington là “vô căn cứ” và nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Israel.
Hậu quả khôn lường nếu tính toán sai lầm
Trước sự lan rộng ngày càng rõ ràng của xung đột Israel-Hamas, điều giới quan sát lo ngại nhất lúc này chính là sự tham gia ngày càng sâu rộng của Mỹ ở Trung Đông, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng Washington có thể lại bị lún vào khu vực này lần nữa.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 25-12 đã khẳng định: “Mặc dù không tìm cách leo thang xung đột trong khu vực nhưng Mỹ cam kết và chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ người dân và các cơ sở của chúng tôi”.
Xung đột tại Dải Gaza cũng đang làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Iran khiến nhiều người thảo luận về viễn cảnh “trục kháng chiến” mà ở đó Hamas, Hezbollah, Houthis cùng các nhóm thân Iran khác hợp sức chống lại Mỹ và Israel.
“Nếu Mỹ không cẩn thận, Dải Gaza chỉ là khởi đầu của một thứ gì đó khủng khiếp hơn nhiều” - theo GS Vali Nasr, chuyên gia về Trung Đông tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ).
Đồng quan điểm, bà Randa Slim, chuyên gia tại Viện Trung Đông (Mỹ), cảnh báo: “Khó đoán định khi nào những căng thẳng này sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, đẩy khu vực rơi vào vực thẳm. Có thể là một thời điểm nào đó, khi một trong các bên liên quan tính toán sai lầm”.
Bên cạnh những lo ngại về chính trị, các diễn biến lan rộng của xung đột Israel - Hamas cũng đang gây ra hậu quả đau đớn cho nền kinh tế toàn cầu. Đơn cử là việc chuỗi cung ứng năng lượng và hàng hóa bị gián đoạn nghiêm trọng do các cuộc tấn công của Houthis ở Biển Đỏ.
Tờ The Hill dẫn nhận định từ các nhà phân tích rằng cách duy nhất để hạn chế căng thẳng lan rộng trên là đạt được lệnh ngừng bắn hoặc làm xung đột Israel - Hamas chậm lại.
Ngoài ra, các chuyên ra cũng cho rằng sự gia tăng các cuộc tấn công của “trục kháng chiến” Iran vào Mỹ và Israel xuất phát từ sự phẫn nộ trước cách đối xử của Israel với người Palestine. Thế nên có thể xem vấn đề này là gốc rễ của sự theo thang.
“Đến một lúc nào đó, Mỹ và Israel cần phải thừa nhận rằng người dân Palestine có các quyền bình đẳng với người dân Israel” - ông Rami Khouri, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách công thuộc ĐH American University of Beirut (Lebanon), nhận định.•
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công hàng chục mục tiêu ở Syria, Iraq
Cũng tại Trung Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler ngày 27-12 thông báo quân đội nước này đã tấn công 71 địa điểm được cho là có liên quan đến các nhóm người Kurd ở Syria và miền Bắc Iraq, kênh Al Jazeera đưa tin.
Động thái của Ankara nhằm đáp trả vụ 12 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở Iraq hồi cuối tuần qua. Theo ông Guler, khoảng 59 chiến binh người Kurd đã bị “vô hiệu hóa” trong các cuộc tấn công.
Cùng ngày, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã được tăng cường trong 36 giờ qua và ông cam kết sẽ trả thù cho “những người Thổ Nhĩ Kỳ tử vì đạo”.