Bao giờ có quy định cụ thể về điều kiện nuôi chó, mèo?

(PLO)- Để việc quản lý chó, mèo được tốt hơn cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y, giống chó được phép nuôi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Pháp Luật TP.HCM đã từng phản ánh trường hợp một hộ dân ở phường 9, quận 4, TP.HCM nuôi 82 con chó; một hộ dân khác ở hẻm 964 đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 nuôi khoảng 20 con chó. Các hộ nuôi nhiều chó đã làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Hiện Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan quy định chưa cụ thể trong quản lý chó, mèo nên còn nhiều bất cập.

Vừa qua, tại cuộc họp thường kỳ, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết Bộ NN&PTNT đang xây dựng thông tư về quản lý các vật nuôi khác, trong đó có chó, mèo. Trong thông tư này, việc nuôi chó, mèo sẽ có những quy định cụ thể hơn về điều kiện, mật độ nuôi, mức xử phạt…

Quy định vẫn còn chung chung

Liên quan đến vấn đề quản lý chó, mèo ở TP.HCM, trao đổi với PV, ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết Sở NN&PTNT TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y và đối xử nhân đạo đối với nuôi chó, mèo làm cảnh.

Theo ông Bảo, thời gian qua, Sở NN&PTNT TP.HCM đã áp dụng các quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 và các văn bản có liên quan trong quản lý hoạt động nuôi chó, mèo làm cảnh trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 12 Luật Chăn nuôi quy định chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của TP, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

Tại Điều 56 Luật Chăn nuôi chỉ quy định chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu như chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi…

Tuy nhiên, những quy định trên vẫn còn chung chung, chưa quy định cụ thể về hoạt động chăn nuôi động vật làm cảnh, nhất là đối với hộ nuôi chó, mèo với số lượng lớn.

Ông Bảo cho hay thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nuôi chó, mèo nhiều, gây ô nhiễm nhưng chưa giải quyết dứt điểm do chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm liên quan đến mùi hôi. Bên cạnh đó, việc xác định mật độ nuôi và xử lý vi phạm tiếng ồn do vật nuôi chó, mèo với số lượng lớn thực tế cũng rất khó thực hiện.

“Để có cơ sở pháp lý giải quyết vấn đề nêu trên một cách căn cơ và thống nhất, Sở NN&PTNT có công văn gửi Bộ NN&PTNT hướng dẫn cụ thể về điều kiện chăn nuôi, điều kiện về vệ sinh thú y và đối xử nhân đạo đối với nuôi chó, mèo và các loài động vật nuôi làm cảnh khác” - ông Bảo thông tin.

Đàn chó tại nhà 190 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM. Ảnh: NDCC

Đàn chó tại nhà 190 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM. Ảnh: NDCC

Chưa có quy định cụ thể, xử phạt chắp vá

TS Cao Vũ Minh, giảng viên khoa Luật trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ở một số TP thuộc các bang của Mỹ có quy định về vấn đề diện tích tối thiểu để nuôi chó, mèo. Nhìn chung, mỗi gia đình được nuôi hai con thú và cứ thêm 50 m2 thì có thể nuôi thêm một đơn vị con. Nếu nuôi quá số lượng quy định, theo tố giác của các gia đình xung quanh, các tổ chức bảo vệ động vật sẽ vào cuộc và cáo buộc gia chủ có hành vi ngược đãi động vật.

Việc tính toán diện tích này cũng dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như diện tích tự nhiên, mật độ dân cư, thói quen di chuyển, quãng đường di chuyển thông thường của một con vật cùng loài nếu sống trong môi trường lý tưởng.

“Thiết nghĩ, những quy định trên hoàn toàn có thể được tiếp thu để xây dựng thành quy phạm chung điều chỉnh vấn đề nuôi chó, mèo tại Việt Nam. Tất nhiên, khi xây dựng những quy định này thì các cơ quan nhà nước phải tính toán các yếu tố đặc thù như diện tích tự nhiên mỗi tỉnh, thành; mật độ dân cư; khu vực nông thôn hay thành thị… Vấn đề này chắc chắn là phức tạp nhưng nếu cố gắng thì nhà làm luật có thể làm được. Xây dựng quy phạm điều chỉnh nhằm bảo đảm sự hài hòa lợi ích và trách nhiệm của người nuôi, sự đồng thuận của cộng đồng nơi cư trú là điều rất cần thiết” - TS Minh ý kiến.

TS Minh nhìn nhận hiện nay khi chưa có quy phạm điều chỉnh thì việc xử phạt về tiếng ồn, xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường hay xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật chỉ mang tính “chắp vá” chứ không thể xử lý dứt điểm. Sau khi xử phạt, tình trạng bát nháo, ồn ào, hôi thối, mất vệ sinh vẫn như cũ mà không có sự tiến triển khả quan. Đó là chưa kể đến tình trạng xử phạt nhưng người vi phạm chây ì không thực hiện việc nộp phạt.•

Cần có quy định giống chó hộ gia đình được phép nuôi

Khi xây dựng quy định pháp luật về việc nuôi chó, mèo, nhà làm luật cũng cần có sự phân hóa cụ thể về chủng loại của chó, mèo để có cách quản lý phù hợp.

Đối với đa số giống chó thì các quy định về tiêm vaccine, rọ mõm… là khá đầy đủ. Tuy nhiên, đối với những giống chó hung dữ như pit bull, berger, rottweiler… thì cần đưa vào diện quản lý đặc biệt.

Tại Mỹ, Canada, việc nuôi các loài chó nguy hiểm không bị cấm nhưng người nuôi phải đạt được những điều kiện khá ngặt nghèo như mua bảo hiểm thương tật để phòng rủi ro chó tấn công người đi đường. Thêm vào đó, người chủ phải có chứng chỉ nuôi chó chuyên nghiệp, có thể điều khiển chó để tránh gây nguy hiểm cho người khác.

Họ lý luận rằng trường hợp này giống như việc điều khiển một chiếc mô tô phân khối lớn, để hạn chế rủi ro cần phải có chứng chỉ được đào tạo, huấn luyện bài bản. Đương nhiên việc học và lấy các loại chứng chỉ này thì không bao giờ đơn giản.

TS CAO VŨ MINH, giảng viên khoa Luật, trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm