Quy định không cho người thân vào bên trong cửa vào ga của ngành đường sắt đã góp phần tạo sự ổn định trật tự, thông thoáng tại khu vực đỗ tàu. Tuy nhiên, nhiều hành khách phải vất vả với việc tự mình khiêng vác hành lý lên tàu.
Đảm bảo an ninh trật tự nhưng… khách mệt
Chúng tôi có mặt tại Ga Sài Gòn trong ngày thứ ba của loạt ngày cao điểm (từ 29-1 đến 6-2) của ngành đường sắt. Hàng ngàn người tiếp tục tập trung về ga khiến không khí nơi đây rất nhộn nhịp, tấp nập. Người lớn, trẻ nhỏ cùng hành lý lỉnh kỉnh đứng chen nhau trong nhà ga. Nhiều người vì lo sợ trễ tàu nên đến ga từ rất sớm. Một số phải nằm xuống sàn hoặc ngồi dài trên những băng ghế chờ đến giờ tàu chạy. Nhân viên ngành đường sắt đã phải làm việc với năng suất gấp đôi ngày thường để phục vụ nhu cầu của khách.
Tại khu vực cửa vào ga, dòng người đứng chen nhau làm thủ tục. Theo quy định mới của ngành đường sắt, hành khách phải được kiểm tra thẻ lên tàu và bản chính giấy tờ tùy thân ngay tại cửa vào ga. Đồng thời, người thân đi tiễn cũng không được tiến vào khu vực bên trong như mọi năm. Điều này nhằm siết chặt vấn nạn vé chợ đen, nạn đi tàu “chui” và tạo sự ổn định, thông thoáng trong khu vực đỗ tàu.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều hành khách, nhất là hành khách lớn tuổi khá vất vả khi đứng chờ nhân viên kiểm soát thẻ lên tàu vì phải mang vác hành lý của mình. Từ cửa vào ga đến khu vực tàu chờ là một quãng đường vất vả cho những ai phải mang vác lỉnh kỉnh vali, ba lô, quà tết…
Dịch vụ xe đẩy hành lý ở Ga Sài Gòn (ảnh trái). Với số hành lý này, nếu không có xe đẩy thì khách chỉ còn biết khóc. Ảnh: HỒNG TRÂM
Phải thuê nhân viên đẩy hành lý
Để giải quyết khó khăn trên của hành khách, đội ngũ nhân viên đẩy hành lý với giá 30.000 đồng/lượt luôn túc trực tại ga. Các nhân viên này phải hoạt động hết công suất vì nhu cầu mang hành lý vào bên trong tàu của hành khách rất lớn. Nhiều hành khách đã phải chạy đến cầu cứu các nhân viên này khi không thể nào mang hết hành lý từ bãi giữ xe vào ga.
Tuy nhiên, một số hành khách vẫn cố gắng tự mình khiêng vác hành lý vì cho rằng 30.000 đồng/lượt là quá đắt cho một quãng đường vận chuyển từ ngoài ga vào nơi đỗ tàu. Nhiều người thắc mắc là tại sao trong ga không có những xe đẩy miễn phí để hành khách tự vận chuyển hành lý giống như ở các nhà ga sân bay. Như thế sẽ tiện lợi cho khách mà vẫn đảm bảo an ninh, trật tự và văn minh, lịch sự.
Bà Hoàng Thị Ngà (64 tuổi, quê Nam Định) cho hay: “Tôi về quê cùng với con dâu và hai đứa cháu nhỏ. Chỗ hành lý chúng tôi phải mang về quê là rất nhiều. Bởi vậy tôi bắt buộc phải thuê xe đẩy để mang hành lý vào tàu chứ tôi thtuổi già sức yếu, cháu thì nhỏ, một mình con dâu tôi không thể nào mang vào hết được. Tuy nhiên, giá 30.000 đồng là hơi đắt, những năm trước tôi về quê vẫn thuê xe đẩy với giá 20.000 đồng thôi”.
Anh Nguyễn Nam (35 tuổi, quê Hà Nội) chia sẻ: “Hành lý cả nhà tôi tự mang vác vào tàu chứ không thuê xe đẩy. Bỏ ra 30.000 đồng cho việc đẩy hành lý vào tàu, tôi thấy không tương xứng. Tôi là đàn ông thì không sao, chỉ thương nhiều người già không làm được nên phải thuê nhân viên nhà ga”.
“Không thể so sánh với sân bay”
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo ngành đường sắt cho biết dịch vụ xe đẩy thuộc sự quản lý của Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn. Nhân viên làm việc và tiền thu từ khách hàng được nộp lại cho người quản lý rất rõ ràng. Mọi người không thể phủ nhận nhờ có đội ngũ xe đẩy mà nhu cầu mang vác hành lý vào tàu của hành khách được đáp ứng rất nhanh chóng, thoải mái. Hơn nữa, dịch vụ này mang tính chất tự nguyện chứ không ép buộc hành khách phải sử dụng .
Theo vị này, hành khách không nên so sánh việc trong sân bay có xe đẩy miễn phí còn trong ga tàu lửa thì không. “Bởi lẽ khi hành khách vào sân bay bên cạnh tiền vé máy bay thì khách còn phải đóng một khoản lệ phí nhất định (cụ thể là 150.000 đồng). Theo tôi biết, khoản phí này dùng để chi trả cho dịch vụ xe đẩy, điện, nước, nhà vệ sinh...” - vị lãnh đạo này nói.
Ngoài ra, vị này cho rằng nếu trong ga có xe đẩy miễn phí thì sẽ ảnh hưởng đến trật tự chung. “Ai cũng có nhu cầu vận chuyển hành lý dẫn đến việc chen lấn, giành giật xe đẩy. Thời gian cao điểm, Ga Sài Gòn đón hàng ngàn hành khách. Bởi vậy số lượng xe đẩy không thể phục vụ hết mọi người. Thêm vào đó, đoạn đường đẩy xe ra tàu phải đi qua đường ray gồ ghề, người khỏe mạnh như các nhân viên sẽ ít gặp khó khăn. Tuy nhiên, những người lớn tuổi khi tự mình đẩy sẽ gặp nhiều phiền toái”.
Về khoản phí 30.000 đồng, vị lãnh đạo này giải thích: “Ngành đường sắt chúng tôi sẽ nghiên cứu lại để đưa ra mức giá phù hợp với đa số bà con. Năm nay, chúng tôi đã cố gắng hết sức để đưa ra những cải cách, đổi mới để phục vụ hành khách”.
Nhớ mang giấy tờ tùy thân và kiểm tra thông tin trên vé Nhiều hành khách hiện vẫn chưa nắm rõ quy định mới về việc kiểm tra thẻ lên tàu và bản chính giấy tờ tùy thân của ngành đường sắt. Một số người khi đến cửa vào ga mới hớt hải tìm kiếm giấy tờ tùy thân để đưa cho nhân viên kiểm soát. Vài ngày trước, đã có trường hợp hành khách không thể lên tàu vì sai thông tin cá nhân trên thẻ lên tàu so với giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, do không nắm được quy định mới nên khách vẫn mua vé từ “cò” nên bị ôm sô. Trưa 31-1, “cò” vé mâu thuẫn, lớn tiếng cãi nhau tại Ga Sài Gòn khiến nhiều hành khách lo sợ. Tuy nhiên, trong Ga Sài Gòn luôn có đội ngũ nhân viên an ninh túc trực để giữ gìn trật tự. |