Lý do HĐXX đưa ra để hoãn tòa là do tình trạng sức khỏe của bị cáo Trần Xuân Giá không thể đến dự tòa.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho ông Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho hay, việc TAND TP Hà Nội quyết định hoãn phiên xử theo đơn đề nghị của ông Trần Xuân Giá (vì đang phải điều trị bệnh) là quyết định đúng pháp luật, hợp với Điều 187 - BLTTHS.
“Việc mở lại phiên tòa phụ thuộc vào tình trạng bệnh của ông Giá”, lời luật sư Hưng - Ảnh: Minh Quang |
Theo ông Hưng, căn cứ điều 194 - BLTTHS quy định: Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm theo Điều 187 là không quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn tòa.
Cụ thể, trong vụ án này, nếu sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá vì lý do chính đáng, Tòa vẫn tiếp tục phải hoãn phiên tòa.
“Việc mở lại phiên tòa phụ thuộc vào tình trạng bệnh của ông Giá”, lời luật sư Hưng.
Ông Hưng cho biết thêm, nếu thời gian quá dài, vụ án có thể giải quyết theo hướng trả lại hồ sơ cho cơ quan truy tố; có thể tách vụ án hoặc tách bị can, bị cáo ra khỏi vụ án này, để tiếp tục xét xử các bị cáo khác theo quy định pháp luật.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với VietNamNet, luật sư Vũ Ngọc Chi, người bào chữa cho ông Huỳnh Quang Tuấn, nguyên Phó TGĐ ACB cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, việc hoãn tòa là hợp lý và đúng pháp luật.
“Lý do hoãn tòa là do sức khỏe của ông Trần Xuân Giá, vậy có lẽ khi nào sức khỏe của ông Giá khá hơn, phiên tòa sẽ được mở lại. Tuy nhiên, để xem xét rộng hơn thì cần phải chờ vụ án Huyền Như có hiệu lực pháp luật mới nên mở lại phiên tòa”, lời ông Chi.
Ông Chi cho biết, với thân chủ của ông, cần có lời xác nhận của ông Giá ở một số việc. Chuyện này liên quan đến việc định tội cho thân chủ. Nếu vắng mặt ông Giá, việc xét xử thân chủ của ông sẽ thiếu khách quan.
Cũng theo quan điểm của luật sư Chi, bản án vụ Huyền Như vừa có khiếu nại vừa có kháng cáo, chưa có hiệu lực pháp luật.
Việc xác định thiệt hại của Ngân hàng ACB trong vụ án Huyền Như có ý nghĩa quyết định tới việc định tội danh của nhóm bị cáo vướng tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cũng như trách nhiệm dân sự của Nguyễn Đức Kiên và các bị can liên quan.
Nếu phiên tòa phúc thẩm vụ Huyền Như tới đây, HĐXX quyết định buộc Ngân hàng Vietinbank phải bồi thường cho ACB toàn bộ số tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt, điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng này không có thiệt hại.
Và nếu ACB không có thiệt hại, tức là không có hậu quả thì không thể quy kết các bị cáo vụ bầu Kiên vướng tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như VKSND Tối cao đã quy kết.
Ông Chi thông tin thêm: Qua trao đổi nhanh với ACB, họ không liệt kê khoản 718 tỉ đồng là thiệt hại của ACB và yêu cầu Vietinbank phải trả số nợ này.
Theo T.Nhung (VNN)