Ngày 8-12, ngày thứ bảy phiên xử phúc thẩm bầu Kiên và các đồng phạm, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Sau khi đại diện VKS nêu quan điểm về vụ án, ba trong số bốn luật sư của bầu Kiên lần lượt trình bày bài bào chữa cho thân chủ.
Bầu Kiên xin HĐXX dành cho bị cáo vài tiếng để đọc nguyên văn đơn kháng án, tuy nhiên đề nghị này không được chấp thuận. “Bị cáo đã trình bày lý do kháng cáo trước khi vào xét hỏi. Trong phần tranh luận sắp tới, bị cáo có thể sử dụng đơn đó để bào chữa cho mình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” - HĐXX giải thích.
“Không có cơ sở chấp nhận kháng cáo”
Sau khi nêu lại những nhận định chính của cáo trạng, đại diện VKS cho rằng có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã phạm các tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái. Các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn phạm tội cố ý làm trái như án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, “không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo đề nghị xem xét lại phần tội danh của các bị cáo” - VKS khẳng định.
Về hình phạt, VKS cho rằng khi quyết định hình phạt, tòa sơ thẩm đã đánh giá tính chất, vai trò, mức độ và thủ đoạn phạm tội của các bị cáo. Tòa cũng đã xem xét đầy đủ về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Từ đó, tòa quyết định hình phạt về từng tội danh đối với từng bị cáo như vậy là thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo cũng không đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào khác nên yêu cầu của các bị cáo không có căn cứ chấp nhận.
Bầu Kiên đang trình bày tại tòa. Ảnh: Đ.MINH
Đối với kháng cáo của Công ty B&B, VKS cho rằng bị cáo Kiên đã kinh doanh trái phép và trốn thuế tại B&B nên án sơ thẩm buộc B&B phải truy nộp phần thuế mà bị cáo đã trốn cho Chi cục Thuế quận Đống Đa là đúng pháp luật.
Luật sư: “Bầu Kiên không phạm tội”
“Quan điểm của VKS lặp lại quan điểm của án sơ thẩm, không cập nhật diễn biến của phiên phúc thẩm” - luật sư của bầu Kiên nhận xét khi bào chữa. Các luật sư của bầu Kiên sau khi trình bày bài bào chữa đều kiến nghị HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, tuyên bố bầu Kiên không phạm cả bốn tội bị truy tố và đình chỉ vụ án.
Bào chữa về tội cố ý làm trái, luật sư của bầu Kiên nhắc lại bản án sơ thẩm rằng “số tiền 718 tỉ đồng của ngân hàng ACB bị thiệt hại đã được giải quyết trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên HĐXX không xét”. Theo luật sư, nếu đã không xét thì lấy căn cứ nào để xác định việc làm của các bị cáo là gây thiệt hại nghiêm trọng, trong khi đây là yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm. Trong khi đó, bản án sơ thẩm xử Huyền Như chưa có hiệu lực pháp luật.
“Về nguyên tắc, bản án sơ thẩm lấy số liệu chưa có hiệu lực pháp luật của một bản án khác làm số liệu để kết tội các bị cáo về tội cố ý làm trái trong vụ án này là không có căn cứ, không phù hợp quy định. Việc kết tội thế này có dấu hiệu, tiềm ẩn nguy cơ oan cho các bị cáo” - luật sư nói. Hơn nữa, bản án sơ thẩm cũng nhận định số tiền 718 tỉ đồng “chưa thu hồi được” hoàn toàn khác về bản chất so với “không thu hồi được”.
Với số tiền 687 tỉ đồng - hậu quả của hành vi đầu tư cổ phiếu, luật sư cho rằng ACB được xác định là nguyên đơn dân sự, trong khi ngân hàng này không có đơn yêu cầu bồi thường và khẳng định không có thiệt hại. “Tại sao các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cứ cố bắt ACB là bị hại? Phải chăng vì đây là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, nếu không có yếu tố này thì tội phạm không cấu thành?” - luật sư nêu câu hỏi.
Hôm nay (9-12), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận. Dự kiến bầu Kiên sẽ thực hiện quyền tự bào chữa tại tòa.
Bào chữa cho cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội danh khiến bầu Kiên phải chịu mức án 20 năm tù, luật sư cho rằng việc kết tội bị cáo là “hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”. Luật sư cho rằng phó giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát đã ký giấy đề nghị phong tỏa kiêm ủy quyền chuyển nhượng cổ phiếu. Do vậy, việc nại lý do ông Hà “không nhớ và không báo cáo”, quá trình lưu hồ sơ sơ suất nên lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cũng như Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát “không biết số cổ phần trên đã bị Công ty ACBI thế chấp” như án sơ thẩm nhận định là không thể chấp nhận được. Cổ phần của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ, do đó không thể trao đổi, chuyển nhượng như trường hợp cổ phiếu dưới dạng chứng chỉ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) cho biết Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát đã làm thủ tục sang tên Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát là cổ đông vào ngày 27-6-2012. Tuy nhiên, từ ngày 21-5, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát đã gửi Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương thông báo về việc đăng ký cổ đông mới sở hữu cổ phần trên 5%. Điều này chứng tỏ Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã được ghi nhận là cổ đông của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát trong sổ đăng ký cổ đông. “Một chứng cứ quan trọng mang tính quyết định Nguyễn Đức Kiên có chiếm đoạt hay không chiếm đoạt, gian dối hay không gian dối là sổ đăng ký cổ đông. Tại sao không thu thập, cung cấp giao - nộp sổ này?” - luật sư đặt câu hỏi. |