Sau nhiều ngày nghị án, ngày 7-1, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như liên quan đến hành vi chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của năm công ty. Tòa giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại phần này, nếu có căn cứ Như có dấu hiệu tham ô tài sản thì cần làm rõ trách nhiệm kiểm tra kiểm soát của các tổ chức, cá nhân tại VietinBank.
Những phần còn lại không kháng cáo, kháng nghị, tòa tuyên giữ nguyên. Điều này có nghĩa là mức án chung thân của Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn giữ nguyên.
VietinBank phải có trách nhiệm
HĐXX nhận định bằng chứng tại tòa và hồ sơ cho thấy năm công ty (Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc) mở tài khoản thật và hợp lệ tại Phòng giao dịch VietinBank Điện Biên Phủ.
Điển hình như Công ty Hưng Yên, tòa phân tích việc mở tài khoản (chữ ký và con dấu của chủ tài khoản thật) đều hợp lệ, hợp pháp và được VietinBank chấp nhận, thông báo số tài khoản thanh toán cho Hưng Yên. Sau khi công ty này chuyển tiền vào VietinBank, Như làm lệnh chi giả (con dấu Như làm giả và ký ô kiểm soát) và khi thực hiện chuyển tiền nhân viên nghiệp vụ không kiểm tra đúng quy định mà theo lệnh Như. Tất cả hành vi gian dối của Như đều thực hiện tại phòng giao dịch này.
Tương tự, với Công ty Toàn Cầu, khi tiền của họ chuyển vào tài khoản hợp lệ tại VietinBank, Như giả bốn chữ ký của lãnh đạo, lập năm lệnh chi, đóng dấu giả, chuyển tiền của Toàn Cầu sang công ty sân sau của bị cáo.
Các bị cáo đang nghe tuyên án. Ảnh: HOÀNG YẾN
HĐXX khẳng định Như lợi dụng chức vụ thực hiện giao dịch giả ngoài ý chí của khách hàng. Ý kiến của VKS về hành vi của Như có dấu hiệu tham ô tài sản và VietinBank là nguyên đơn dân sự, năm công ty này là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án là đúng. Bản án sơ thẩm xác định sai, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Kháng cáo của các công ty này là có cơ sở nhưng cấp phúc thẩm không thể sửa bản án sơ thẩm để buộc VietinBank bồi thường, vì như vậy sẽ tước quyền kháng cáo của VietinBank. Vi phạm và thiếu sót của cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay...
Vì thế, HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS hủy án phần này theo hướng trên.
ACB và NaviBank thì khác
Ngoài phần năm công ty này, tòa bác các yêu cầu của các cá nhân, tổ chức (ACB, NaviBank) kháng cáo yêu cầu buộc VietinBank có trách nhiệm bồi thường. Tòa tuyên y án sơ thẩm, tức Như cùng đồng phạm liên đới trách nhiệm trả cho người bị hại.
Cụ thể, kháng cáo của ACB và 19 nhân viên đòi VietinBank có trách nhiệm bồi thường 719 tỉ đồng không có cơ sở chấp nhận. Tuy nhiên, HĐXX cũng nhận thấy án sơ thẩm tuyên chưa chặt chẽ về việc buộc Như và đồng phạm liên đới bồi thường cho ACB mà lý ra phải là bồi thường cho 19 nhân viên ACB mới chính xác. Nhưng suy cho cùng số tiền này cũng là của ACB nên thấy không cần sửa.
Với số tiền ACB bị chiếm đoạt, HĐXX chia làm hai trường hợp. Trường hợp 50 tỉ đồng do hai nhân viên ACB gửi, Như đã chiếm đoạt tiền của ACB từ tài khoản giả được mở tại VietinBank. Tương tự, trường hợp 668 tỉ đồng ACB chuyển tiền trái phép vào VietinBank thông qua việc ủy thác 17 nhân viên đem gửi đã bị Như lừa từ ngay giai đoạn đầu. ACB thực tế không giao dịch với VietinBank hai ngân hàng này không có quan hệ nguyên và bị đơn dân sự. Đồng thời, tòa cũng nhận định việc ủy thác nhân viên gửi tiền của ACB là trái pháp luật và lãnh đạo ACB đã phải ra tòa về hành vi cố ý làm trái (vụ án bầu Kiên - PV). Việc ACB bị mất tiền ngoài do lỗi ủy thác trái luật còn do sự tắc trách của các nhân viên ACB.
Tòa nhận định: Yêu cầu đòi bồi thường của ACB với VietinBank là không có cơ sở chấp nhận. Bởi trên thực tế ACB không giao dịch gửi tiền với VietinBank, vì vậy ACB không thể là nguyên đơn dân sự, VietinBank không phải là bị đơn.
Tương tự, HĐXX nhận thấy NaviBank có chủ trương trái pháp luật khi gửi tiền kiếm lãi suất cao, NaviBank đã cho nhân viên vay tiền tiêu dùng, hợp đồng này là trái pháp luật và giả tạo. Theo đó, hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ của các nhân viên vay tiêu dùng của NaviBank lên tới 16,5%/năm trong khi lãi suất các cá nhân được hưởng khi gửi vào VietinBank là 14%, HĐXX cho rằng đó là một nghịch lý và điều đó chứng tỏ sự giả tạo trong các giao dịch như đã phân tích. NaviBank không phải là nguyên đơn, VietinBank cũng không phải là bị đơn dân sự trong vụ án này. HĐXX không chấp nhận kháng cáo của NaviBank và nhân viên đòi VietinBank có trách nhiệm bồi thường 200 tỉ đồng.
Làm sao sửa số tiền lừa đảo thành 3.000 tỉ đồng? Án phúc thẩm chỉ tuyên hủy phần Huyền Như chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của năm công ty, đơn vị để điều tra, xét xử lại về tội tham ô. Vì vậy số tiền chiếm đoạt trong tội lừa đảo của Huyền Như chỉ còn 3.000 tỉ đồng (chứ không phải 4.000 tỉ đồng như án sơ thẩm đã tuyên). Trong khi đó, những phần còn lại trong bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, tòa vẫn giữ nguyên và phát sinh hiệu lực pháp luật, tức là Huyền Như vẫn bị quy buộc lừa đảo 4.000 tỉ đồng. Khi điều tra, xét xử lại (lần 2), do phần này không bị tuyên hủy (tức có hiệu lực pháp luật) nên cơ quan tố tụng không thể tự tiện sửa lại số tiền mà Như chiếm đoạt trong tội lừa đảo thành 3.000 tỉ đồng. Đây phải chăng là điều bất cập mà cấp phúc thẩm đã không tính đến? Mời bạn đọc tham gia ý kiến vấn đề này tại mục “Diễn đàn” trên chuyên trang netluat của Pháp Luật TP.HCM online ở địa chỉ netluat.plo.vn. Tòa phúc thẩm kiến nghị VKSND Tối cao khởi tố Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên phó giám đốc VietinBank - Chi nhánh TP.HCM); kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi của Vũ Hồng Hạnh, nguyên giám đốc Công ty Phương Đông, xem xét trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc VietinBank TP.HCM). Tòa cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hủy bỏ quy định lãi suất vượt trần, hủy bỏ quy định ủy thác đầu tư vốn. HĐXX yêu cầu VietinBank xem xét lại quy định trưởng phòng có quyền ký giao dịch 50 tỉ đồng mà không có cơ chế giám sát; kiến nghị cơ quan điều tra xem xét làm rõ trách nhiệm của những sai phạm xảy ra kéo dài tại VietinBank, xem xét trách nhiệm lãnh đạo NaviBank. |