Bảo hiểm tai nạn điện: Rẻ nhưng vẫn... ế

Ngày 5-8, Nghị định số 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực. Xét về khía cạnh kinh tế, đây là điều kiện thuận lợi cho sản phẩm bảo hiểm cháy nổ trở nên sôi động hơn, nhất là ở phân khúc khách hàng cá nhân hộ gia đình.

Người dân vẫn chưa thật sự quan tâm

Tuy nhiên, giới kinh doanh bảo hiểm lại không quá kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn trong việc mua bảo hiểm của khách hàng. Bởi vì nhiều người vẫn cho rằng đó là chuyện bắt buộc nhằm đối phó với pháp luật. Nhưng các công ty vẫn hy vọng những quy định chặt chẽ cũng tác động nhiều đến ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài sản của chính mình. Theo khảo sát của một công ty bảo hiểm, tại khu vực thành thị, người dân khá thờ ơ trong việc mua sản phẩm bảo hiểm tai nạn người sử dụng điện. Còn những người ở khu vực nông thôn thì lại có hứng thú mặc dù ở đây, công tác tuyên truyền, hệ thống cộng tác viên, đại lý bán bảo hiểm còn yếu. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân của sự khác biệt này là do ở khu vực thành thị hệ thống đường dây điện, thiết bị sử dụng điện thường tốt hơn vùng nông thôn. Do vậy, việc chập cháy nổ, điện giật ít xảy ra hơn. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để chủ quan, mất cảnh giác trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình.

Bảo hiểm tai nạn điện: Rẻ nhưng vẫn... ế ảnh 1

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy đang làm nhiệm vụ tại hiện trường. Ảnh: ST

Trên thị trường, một số công ty triển khai sản phẩm bảo hiểm tai nạn người sử dụng điện. Mức phí áp dụng thấp với khoảng 28.000 đồng/năm/hộ nhưng quyền lợi lớn hơn so với số tiền bỏ ra. Trong khi đó, mức bồi thường tối thiểu lên tới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn đang làm cho có chứ cũng chưa thật sự mặn mà. Bởi vì để triển khai sản phẩm này cần có lực lượng cộng tác viên đi xuống từng hộ dân tại mỗi phường/xã, ấp/thôn để phổ biến. Vì vậy mà chi phí kinh doanh sẽ cao, cạnh tranh, trong khi phí bảo hiểm từng hộ dân thấp.

Doanh nghiệp cần làm tốt vai trò của mình

Đại diện một công ty bảo hiểm cho rằng tham gia bảo hiểm không chỉ bảo toàn về tài chính khi chẳng may xảy ra rủi ro. Hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm được nhiều công ty thiết kế để phủ sóng tới các đối tượng địa bàn, vùng miền với mức phí và quyền lợi bảo hiểm khác nhau. Nếu muốn tồn tại, phát triển thì bắt buộc nhà kinh doanh phải làm tốt vai trò và sứ mạng của mình.

Trước đây, những sản phẩm bảo hiểm có doanh thu phí thấp, đối tượng không rộng thì các doanh nghiệp không mấy mặn mà để triển khai. Hiện nay, họ lại sẵn sàng cung cấp sản phẩm thuộc mọi phân khúc dù doanh thu phí hằng tháng chỉ tính bằng đơn vị ngàn đồng. Hướng đến mọi đối tượng mọi thành phần xã hội không chỉ là chiến lược của một vài công ty bảo hiểm. Nhưng nói gì thì nói bảo hiểm cũng là kinh doanh, mà kinh doanh thì phải có hiệu quả. Để đạt được điều này thì người bán và người mua bảo hiểm phải có tiếng nói chung, đôi bên cùng có lợi.

Theo Điều 11 Nghị định số 52/2012/NĐ-CP ,về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt.

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Bố trí nơi đun nấu, thờ cúng không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b) Mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm;

b) Hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm