Gần đây, nhiều vụ “bạo lực” trên mạng xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và danh dự của nạn nhân. Vấn đề này cũng làm nóng diễn đàn Quốc hội khi đại biểu đoàn TP.HCM Tô Thị Bích Châu nêu ra hai trường hợp điển hình là Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam.
TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng, khi trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM đã đánh giá khoảng năm năm trở lại đây, mức độ “bạo hành” trên mạng đã rất lớn, vô cùng khủng khiếp.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân
. Phóng viên: Việc bị “bạo hành” trên mạng như ông đánh giá biểu hiện như thế nào, thưa ông?
+ TS Đặng Hoàng Giang: Có thể thấy hiện nay bất cứ phát ngôn, hành vi, điều gì khiến cho người ta không ưa thì đều có thể xảy ra những cơn “ném đá”, thóa mạ, tấn công cá nhân rất kinh khủng.
Có thể nói mức độ này rất đáng quan ngại, khiến cho bầu không khí trên mạng bị đầu độc. Mỗi ngày đều có những nạn nhân của hiện tượng này, dù là người nổi tiếng hay không.
. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ đâu?
+ Dường như cộng đồng đang coi việc “ném đá” lẫn nhau trên mạng bằng lời nói ác ý là bình thường. Trên mạng, ẩn vào trong đám đông, người ta thấy mình an toàn hơn, hưng phấn hơn khi trở thành một thành viên trong một tập thể cuồng nộ như vậy.
Trên mạng, đám đông có khoảng cách với nạn nhân, không nhìn thấy nạn nhân bằng xương bằng thịt. Việc tấn công họ còn tạo ra sự thích thú, ảo tưởng mình là người chính nghĩa và tạo ra công lý trên mạng. Tất cả yếu tố về mặt tâm lý và công nghệ đó khiến người ta dễ dàng mở lòng cho sự xấu xí và bạo lực.
Tháng 10-2023, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức chương trình “Chiến dịch tin”. Chương trình phát động nhằm cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng. Đồng thời, nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết chiến dịch giúp người dùng Internet nâng cao “sức đề kháng” trước vấn nạn tin giả, tin xấu, độc.
. Những thực tế như ông chỉ ra tác động đến xã hội như thế nào, thưa ông?
+ Nếu sống trong một cộng đồng phải nghe rất nhiều sự lăng nhục, chửi bới, đe dọa, chà đạp lên nhân phẩm của người khác vì bất cứ lý do gì thì đó là bầu không khí không lành mạnh và xấu xí. Sống lâu trong bầu không khí đó, chất lượng cuộc sống của chúng ta sẽ bị giảm sút, dễ bị thui chột tinh thần, cảm xúc và tâm hồn.
Đó là chưa kể vì một lý do, một phát ngôn, một hành vi nào đó của chúng ta khiến cho đám đông mếch lòng, họ có thể “băm vằm” chúng ta. Lúc đó, không có ai đứng ra ngăn cản hoặc bào chữa cả. Chúng ta phải cắn răng chịu đựng cho đến khi họ chán và kéo đến một nạn nhân khác. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của đám đông này.
Làm cho văn hóa của việc tôn trọng lẫn nhau được nảy nở nhiều hơn
. Như ông nói thì chúng ta cũng có thể trở thành một nạn nhân dự phòng. Vậy chúng ta cần ứng xử như thế nào?
+ Có thể chúng ta không đồng tình, thậm chí lên án với ý kiến, hành vi của nạn nhân nhưng khi nạn nhân bị “bạo hành” qua không gian mạng, chúng ta cần lên tiếng để bảo vệ họ.
Cá nhân tôi cũng thấy phát ngôn của cô hoa hậu chưa ổn và tôi chưa xem phim Đất rừng phương Nam. Tuy nhiên, tôi mong muốn có một môi trường thoải mái để người thích thì khen, hay người không thích thì cho phim đó là dở. Đó là chuyện hết sức bình thường.
Chúng ta không nên nhân sự phản biện để tấn công cá nhân, để lăng nhục, chà đạp họ. Mặt khác, Nhà nước cũng không nên có những quy định như cấm không được chê phim này hay chê bài hát kia vì đó là quyền của mỗi người.
. Ở nước ta đã có nhiều quy định để hạn chế những vụ việc “bạo lực” trên mạng xã hội. Ông có cảm nhận được tác động của những điều này trên thực tế?
+ Rất khó để các cơ quan quản lý có những chế tài để xử lý vấn đề này. Tất nhiên, trong những trường hợp đe dọa mạng sống hay đe dọa bạo lực một cách rất rõ ràng hoặc vu khống thì nạn nhân có thể kiện. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp chúng ta không xử lý được.
. Vậy ở góc độ cá nhân, theo ông, xã hội, cộng đồng cần làm gì để giảm thiểu bạo lực trên mạng?
+ Theo tôi, tốt nhất phải là giáo dục từ nhà trường, làm sao cho văn hóa của việc tôn trọng lẫn nhau được nảy nở nhiều hơn. Văn hóa ứng xử đó phải được nuôi dưỡng trong gia đình, công sở, nhà trường. Đây là công việc lâu dài của giáo dục, của xã hội, của truyền thông. Chế tài và những quy định của luật pháp chỉ xử lý được phần ngọn rất nhỏ. Chẳng hạn như trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng nhưng còn có hàng triệu người “ném đá” tương tự như vậy sẽ không xử lý được.
Tôi hy vọng trong tương lai, những nỗ lực của giáo dục, của truyền thông, của cộng đồng thì chúng ta sẽ tôn trọng lẫn nhau hơn. Khi chúng ta tôn trọng con người thì cũng là tôn trọng chính bản thân mình.
. Xin cảm ơn ông.
Cần xây dựng văn hóa, ứng xử trong môi trường số
Không gian mạng là môi trường hoàn toàn mới. Chúng ta sống ở thế giới thực hàng ngàn năm còn có nhiều vấn đề, huống chi là không gian mạng mới hơn 20 năm. Vì vậy, xây dựng văn hóa, ứng xử trong môi trường số cần được đưa vào chương trình đào tạo phổ thông, lồng ghép chương trình công nghệ thông tin. Bộ TT&TT cũng hình thành nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân để tự bảo vệ mình, cách ứng xử.
Bộ trưởng Bộ TT&TT NGUYỄN MẠNH HÙNG
nói tại nghị trường Quốc hội ngày 7-11