Lộng ngôn trên mạng!

(PLO)- Dùng mạng xã hội không khéo hoặc thiếu văn minh thì người dùng rất dễ trở thành “con tin” trước đám đông hoặc bị phạt tiền, bị tù tội.

Tuần qua, dư luận chưa kịp lắng xuống sau phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Phương Hằng cùng bốn đồng phạm với nhiều bài học thấm thía thì mạng xã hội lại dấy lên một câu chuyện khác khiến nhiều người bức xúc: Tài khoản Facebook có tên “Vo Quoc” đăng tải dòng trạng thái có nội dung miệt thị, xúc phạm những người làm báo.

Sự việc khởi đi cũng từ một chuyện trên mạng xã hội (MXH), đó là nhà biên kịch có nick name Bình Bồng Bột đã có những ngôn từ không chuẩn mực nhắm đến khán giả, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV tại buổi trò chuyện hôm 13-9. Người này đã đăng lời xin lỗi chân thành và dân mạng cũng thôi sục sôi.

Ấy thế nhưng tối 21-9, trên tài khoản Facebook Vo Quoc (được cho là của đầu bếp Võ Quốc, người dùng Facebook đã có tick xanh) đã share lại bài xin lỗi của Bình Bồng Bột kèm lời lẽ rất thô tục, có tính chất miệt thị, xúc phạm báo chí và nhà báo. Việc tài khoản này có bị hack (theo như lời người này nói) hay không, hiện các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh (để xử lý).

bep quoc.jpg
Nội dung đăng tải trên tài khoản Facebook Vo Quoc có tính chất miệt thị, xúc phạm những người làm báo; các cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh để xử lý nghiêm. Minh họa: DAD

Quyền tự do dân chủ là quyền hiến định, ai cũng có thể sử dụng quyền này để bày tỏ ý kiến, quan điểm. Thế nhưng, việc bày tỏ đó phải trong khuôn khổ của pháp luật và đạo đức, không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người khác, tổ chức khác; không xâm phạm đến bí mật đời tư, đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác... Bởi lẽ Điều 21 Hiến pháp đã khẳng định rất rõ mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Nếu ai đó phạm vào những điều trên thì chắc chắn sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Về dân sự, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có nguy cơ bị đối tượng mà mình xúc phạm kiện ra tòa và có thể phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho cá nhân, tổ chức mà mình xâm hại, theo Điều 592 BLDS.

Về hành chính, người dùng MXH có khả năng bị phạt đến 10 triệu đồng nếu cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Số tiền này đối với nhiều người có thể chẳng là gì nhưng một khi đã bị phạt hành chính thì đó được coi là tiền sự. Trong một số trường hợp, việc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thì tiền sự này được coi là “điều kiện cần”, cộng với hành vi vi phạm mới thực hiện nữa (điều kiện đủ) thì người đó sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tương ứng.

Ở góc độ hình sự, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người “chửi bậy, nói càn” có khả năng dính một trong các tội như tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ… (Điều 331 BLHS), tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS), tội vu khống người khác (Điều 156 BLHS)…

Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ thấy hầu hết trường hợp lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hầu hết xảy ra trên không gian MXH. Để điều chỉnh chuyện này, Luật An ninh mạng đã chỉ rõ những hành vi xâm phạm an ninh mạng cần phòng ngừa, xử lý: “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”…

Nghĩa là bất kỳ ai dùng MXH cũng phải biết điều đó, không thể nói rằng vì “Tôi không biết luật nên tôi sai, tha cho tôi đi”...

Lường trước những nguy cơ này, từ năm 2021, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Trong đó có hướng dẫn người dùng không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.

Dùng MXH là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, làm ăn, học hành; không chỉ đối với người lớn mà cả con trẻ cũng dùng. Nếu dùng không khéo hoặc thiếu văn minh thì người dùng rất dễ trở thành “con tin” trước đám đông hoặc bị phạt tiền, bị tù tội. Chỉ cần một dòng trạng thái sai lệch, nhất là những người có ảnh hưởng (có tick xanh) thì có thể thu hút sự chú ý của hàng triệu người, gây ra cái nhìn méo mó, sai lệch. Đó là bề nổi dễ nhìn thấy, còn tác hại âm ỉ, sâu xa của những thông tin này thì khó đong đếm được.

Sự chuẩn mực trong việc dùng MXH cần có ở người lớn trước khi thành lập một tài khoản cho mình, đồng thời người lớn cũng cần hướng dẫn con em mình đi đúng đường. Gia đình, nhà trường cần có những buổi hướng dẫn con trẻ bằng những bài học thực tế, để con trẻ biết dùng MXH văn minh, lịch sự.

Và có lẽ, để không còn xảy ra những câu chuyện đau lòng, mỗi người dùng MXH cũng cần có riêng một bộ quy tắc cho chính mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm