Cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai về ứng phó siêu bão Noru vừa kết thúc cách đây ít phút. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ NN&PTNN chuẩn bị phương án lập Ban Chỉ đạo tiền phương.
Kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo tiền phương
Đề xuất này bắt nguồn từ ý kiến của Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ông đánh giá Noru khi vào Biển Đông đêm nay sẽ trở thành cơn bão rất lớn trong vòng 20 năm qua. Đây là siêu bão, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Với cấp độ rủi ro này, công tác chỉ đạo nên ở cấp Thủ tướng, và nên lập Ban Chỉ đạo tiền phương để ứng phó kịp thời.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nêu ý kiến tại cuộc họp. |
Về số tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm, Thứ trưởng Hiệp cho rằng các địa phương cần phân loại. Nếu đang gần bờ thì cố gắng chạy về bờ, còn lại nếu đang nằm ở hướng báo di chuyển thì cố gắng chạy xuống phía Nam hoặc ngược lên phía Bắc.
Vị Phó ban Chỉ đạo cũng lưu ý yêu cầu bảo vệ tàu thuyền đã về nơi neo đậu, vì "bão giật cấp 13-14 thì tàu cá ở ven bờ cũng đắm chìm hết”.
Ngoài cấm biển, ông Hiệp cũng đề nghị xem xét cấm đường ở những khu vực bão đổ bộ. Vì mưa lớn thì đường quốc lộ, đường sắt có khi cũng ngập lụt, đi lại rất nguy hiểm. “Đề nghị các địa phương xem xét. Ví dụ cấm từ Thanh Hoá, Quảng Bình không cho xe đi vào bên trong, từ Ninh Thuận không cho xe chạy ra các tỉnh bên ngoài” - Thứ trưởng Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, cần tính cả khả năng cấm người dân ra đường trong thời gian bão chuẩn bị đổ bộ. Bởi khi gió giật thổi bay biển quảng cáo, mái tôn thì ra khỏi nhà là có rủi ro.
Các dự báo về bão Noru. |
Còn lực lượng tại chỗ cần chủ động phương tiện liên lạc, xe cộ, lương thực, thực phẩm... đủ dùng tối thiểu 7 ngày. Bởi hậu quả những cơn bão mạnh như thế này có thể gây chia cắt đường đi, liên lạc...
Yêu cầu hoãn các cuộc họp không cần thiết
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo, của các bộ ngành, địa phương.
Noru là cơn bão lớn nhất trong 5 năm trở lại đây. Kinh nghiệm từ ba cơn bão mạnh tương đương xảy ra năm 2017 và 2006 đều cho thấy hậu quả rất lớn về người và tài sản, đòi hỏi sự vào cuộc từ trung ương tới địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó.
“Dự báo cơn bão này rất mạnh, có thể giật tới cấp 17, tốc độ di chuyển nhanh. Vào đất liền mà cấp 13 thì nhà cấp 4 sẽ bị thổi bay, tốc mái. Đề nghị các bộ ngành, nhất là địa phương tổ chức di tản dân, kêu gọi tàu thuyền di chuyển tới nơi an toàn… Các đồng chí cần hết sức chủ động, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác” - Phó thủ tướng yêu cầu.
Từ kết quả cuộc họp này, trước mắt, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ngay trong chiều nay công điện gửi các địa phương, bộ ngành với các nhiệm vụ cụ thể để ứng phó với bão.
Công tác dự báo phải thường trực 24/24, tham khảo rộng rãi các cơ quan quốc tế để có đánh giá chính xác. Nếu dự báo chậm hoặc không chính xác thì thiệt hại rất lớn. Từ dự báo đó để có giải pháp ứng phó.
“Ban Chỉ đạo quốc gia, ban chỉ đạo các bộ, các ngành, địa phương phải tập trung thật cao trong những ngày này. Có thể tạm dừng, hoãn một số cuộc họp không thật sự cần thiết để chỉ đạo ứng phó bão. Xây dựng kế hoạch cụ thể, vì đây là siêu bão, cấp độ rủi ro cấp 4, cấp cao nhất” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với bão Noru. |
Về kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương, Phó Thủ tướng yêu cầu trong tối nay, cơ quan tham mưu cần phải trình đề xuất cụ thể về thành phần, trụ sở, kế hoạch triển khai…
Trước mắt, Phó Thủ tướng cho biết sẽ thành lập các đoàn công tác của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các bộ ngành để tăng cường kiểm tra thực tế. Như hôm nay Bộ trưởng NN&PTNT đã vào một số địa phương để trực tiếp chỉ đạo, thì đó là cách làm hay.
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thống nhất thời gian cấm biển, từ sáng mai không cho tàu ra khơi, đồng thời kiểm soát tàu trên biển. Với hơn 900 tàu vận tải hàng hoá, 551 phương tiện thuỷ nội địa ven biển, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT cần phối hợp có phương án rà soát đưa tàu về, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng về bờ rồi vẫn bị lật thuyền.
Đối với các nhà dân ở nhà cấp 4, với sức gió giật như dự báo thì cần có phương án sơ tán trước, tránh thiệt hại về tính mạng của người dân.
“Các đồng chí phải khảo sát để tính toán phương án di chuyển bà con đến nơi an toàn, như đưa về các trường học, trụ sở uỷ ban” - ông Thành gợi ý.
Cùng với phòng, chống thì các địa phương cũng cần đảm bảo sản xuất của nhân dân. Những diện tích trồng trọt đến thời gian thu hoạch thì cần thu hoạch sớm.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thành lập các ban chỉ đạo và đoàn công tác của địa phương từ tỉnh, thành phố tới các quận, huyện, xã. Bảo đảm dự trữ lương thực, thực phẩm để đề phòng trường hợp bị chia cắt, người dân không đi lại mua bán được.
Về tuyên truyền, đây là cơn siêu bão nên công tác tuyên truyền phải được quan tâm hơn. Các cơ quan báo chí cần triển khai kế hoạch tuyên truyền...