Bảo vệ công dân VN lao động ở nước ngoài: Cần toàn diện hơn

Ngày 17-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là tình trạng lao động chui, bất hợp pháp, quyền lợi cơ bản của người lao động bị xâm phạm...

ĐB Tô Văn Tám  (Kon Tum).

Cần cơ chế bảo vệ người lao động Việt

Nhắc lại vụ việc 39 lao động Việt tử vong thương tâm trong container đông lạnh tại Anh, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) vụ việc đã làm xôn xao dư luận và sự chia sẻ xót thương của nhân dân. Theo ông, gần đây có một cuốn sách mang tựa đề “Đừng chết ở ẢRập Xê Út” của một người lao động theo hợp đồng đã mô tả những cảnh hãi hùng của bản thân khi lao động ở xứ người cũng đang được dư luận quan tâm.

ĐB Tám cho rằng mặc dù dự thảo luật đã tiếp cận vấn đề này bằng các quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài... tuy nhiên cơ chế để bảo vệ người lao động lại chưa rõ ràng.

Ông đề nghị việc sửa đổi luật cần hoàn thiện, bổ sung để bảo vệ người lao động ở nước ngoài tốt hơn, theo đúng quan điểm nêu trong Tờ trình của Chính phủ là “đảm bảo danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người lao động Việt Nam”.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Còn ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì dẫn số liệu chỉ có hơn 52% người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sử dụng các hình thức hợp pháp. “Như vậy, đồng nghĩa với số phần trăm còn lại là không hợp pháp và thực tế rất nhiều vụ việc không vui xảy ra ở nước ngoài đối với người lao động Việt Nam” – ông nói và cho hay dự luật chưa điều chỉnh đối tượng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng con đường không chính thức.

“Vậy vì sao không đưa những đối tượng này vào trong luật để điều chỉnh, để khi xảy ra ở nước ngoài thì người lao động Việt Nam được bảo hộ” – ông đặt câu hỏi.

ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định).

ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) thì đề cập đến nhóm người lao động bỏ trốn ở lại trái phép sau khi hết hợp đồng. “Một thực tế là khi trốn ra ngoài lao động hoặc ở lại trái phép sau khi hết hợp đồng, người lao động phải đối mặt với rất nhiều thách thức và rủi ro như là bị bắt, bị xâm hại sức khỏe, bị xâm hại tình dục, bị bắt buộc lao động quá mức hoặc trở thành nạn nhân của bọn buôn người...”– ĐB này nói và đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát để có giải pháp ngăn chặn hiện tượng trên.

Đang chấn chỉnh lao động chui, bất hợp pháp

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay mỗi năm Việt Nam có hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Đến nay, cả nước có khoảng 580.000 người đang lao động ở nước ngoài. Việt Nam cũng tham gia vào thị trường 43 quốc gia vùng lãnh thổ khác nhau và ngày càng mở rộng.

"Theo con số tôi mới nắm được, lĩnh vực này mỗi năm đóng góp vào ngân sách khoảng 5 tỉ USD. Tỉnh có thu nhập lớn nhất từ nguồn lao động ở nước ngoài gửi về khoảng 300 triệu USD” - ông nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Về những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực người Việt đi lao động nước ngoài, ông Dung cho hay vấn đề này đã được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ và đang dần giải quyết. Cụ thể như tình trạng lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc trước đây là 56%, nhưng với nhiều biện pháp khác nhau đến nay tỷ lệ bỏ trốn còn 24%...

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí yếu kém ở lĩnh vực này, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, vi phạm hợp đồng trốn ở lại... Vừa qua Bộ và các địa phương đã đưa ra các biện pháp chấn chỉnh rất nhiều những tồn tại. Chúng tôi đã xử phát 118/459 doanh nghiệp khác nhau” - Bộ trưởng khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm