Tháng 8-2012, TP.HCM long trọng khánh thành công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (dự án vệ sinh môi trường TP.HCM) giai đoạn một; xây dựng cải tạo đường Trường Sa, Hoàng Sa. Dự án là sự nỗ lực của TP trong việc giảm thiểu thiệt hại do ngập úng qua việc cải tạo và nâng cấp hệ thống cống thoát nước. Đây cũng là bước đầu trong chương trình dài hạn thu gom và xử lý nước thải. Mục tiêu nhằm bảo đảm nhu cầu thoát nước; giải quyết tình trạng ngập úng; chống ô nhiễm, cải tạo dòng kênh, chỉnh trang đô thị.
Những kiến nghị từ thực tiễn
Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (Nhiêu Lộc - Thị Nghè) là một trong những công trình đầu tiên nằm trong chương trình môi trường toàn diện và lâu dài của TP.HCM. Phạm vi ảnh hưởng là lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bao gồm địa bàn của bảy quận trong TP (quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp) với dân số khoảng 2 triệu dân. Khi dự án được khánh thành, không chỉ các hộ dân sống xung quanh khu vực này hoan hỉ vui mừng mà đó cũng là niềm vui chung của người dân TP. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người lo lắng là làm thế nào để chấm dứt tình trạng xả rác xuống kênh, giữ cho nguồn nước trong sạch, dòng chảy thông thoáng. Tại hội thảo Giải pháp bảo vệ môi trường nước sông, kênh, rạch với sự tham gia của cộng đồng do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức, TS Phạm Thị Anh, TS Trần Thị Mỹ Diệu, khoa Công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường ĐH Văn Lang, đã có bài đóng góp rất quan trọng. Đó là công trình nghiên cứu Cơ hội và thách thức trong bảo vệ môi trường kênh rạch ở TP.HCM với sự tham gia của cộng đồng - Trường hợp nghiên cứu ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đề án này được thực hiện dựa trên phương pháp tiếp cận cộng đồng thông qua 14 buổi tham vấn. Trong đó, đa phần được thực hiện tại năm quận gồm quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình với hơn 950 người tham gia. Nội dung mỗi buổi tham vấn bao gồm nhận xét, nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường; cung cấp thông tin về ô nhiễm môi trường; giải pháp giảm phát sinh chất thải… Các buổi tham vấn không những dừng lại ở việc khảo sát, đánh giá mà còn là phương tiện hiệu quả để cư dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đóng góp tiếng nói của họ để giữ con kênh mãi xanh, sạch, đẹp. Qua đó, các nhà quản lý có thể xem xét, áp dụng vì những ý kiến này đều xuất phát trên cơ sở thực tiễn.
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè ngày càng xanh đẹp hơn nhờ nỗ lực của thành phố và cộng đồng.
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường
Từ những buổi tham vấn, các nhà nghiên cứu đã tóm tắt, thống kê thành bốn nhóm giải pháp chính. Đầu tiên là xây dựng các quy định pháp luật, đa số các ý kiến kiến nghị TP nên ban hành quy định bắt buộc 100% hộ dân đăng ký dịch vụ và đóng phí thu gom rác. Khi đó, việc bỏ rác không đúng nơi quy định hay vứt xuống lòng kênh rạch sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, quy định tập trung các loại rác có kích thước lớn (tủ, bàn ghế, giường hỏng…) vào một ngày nhất định trong tuần, đúng nơi đúng chỗ, tránh tình trạng đổ bỏ bừa bãi các loại chất thải dọc hai bờ kênh. Các chủ kinh doanh, chủ cho thuê nhà trọ cần có cam kết bảo vệ môi trường; cấm buôn bán, đậu các loại xe lớn, tụ tập cờ bạc, phóng uế bừa bãi, xả nước thải ra đường… Bên cạnh đó, người dân địa phương kiến nghị chính quyền địa phương phải có giải pháp cụ thể đối với người nhập cư.
Thứ hai là biện pháp chế tài, có nhiều ý kiến được đề bạt nhưng hầu hết tập trung vào việc cần phải có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi bỏ rác xuống kênh rạch, bỏ rác không đúng nơi quy định, thả súc vật phóng uế bừa bãi ra đường phố… Đồng thời, phải có văn bản cụ thể quy định tổ chức, cá nhân được quyền xử phạt theo hình thức và mức độ khác nhau. Ngoài ra, thành lập tổ tuần tra giám sát kết hợp với các thiết bị an ninh được gắn dọc bờ kênh cũng được người dân đề xuất.
Thứ ba là tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, đây là nhóm giải pháp được đa số thành viên của buổi tham vấn kiến nghị. Đó là “phải đưa nội dung bảo vệ môi trường nói chung, trong đó bao gồm không bỏ rác xuống kênh rạch, bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vào chương trình giáo dục học đường, bắt đầu từ các trường mẫu giáo”. Đa số các đại biểu nhấn mạnh những chương trình tuyên truyền cần thực hiện thường xuyên, sâu rộng đến từng khu phố, từng hộ gia đình. Cuối cùng là giải pháp kỹ thuật, chẳng hạn như bố trí thùng chứa rác dọc hai bờ kênh; đặt bảng cấm xả rác xuống kênh; thành lập đường dây nóng; xây dựng chương trình giám sát hoạt động thu gom rác, bảo vệ môi trường kênh…
NGỌC CHÂU