Bảo vệ những công trình dấu ấn trăm năm ở bến Bạch Đằng

Công trình chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng đang bước vào những hạng mục cuối cùng với việc cải tạo Công trường Mê Linh và trùng tu tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo. Đây là lần chỉnh trang khu vực đô thị nhiều di sản bậc nhất của Sài Gòn và nhận được nhiều quan tâm của người dân TP.

Làm sao để khi chỉnh trang khu vực này mà không bỏ quên lịch sử đang là vấn đề được dư luận rất quan tâm.

Làm sao để không chỉ là điểm check-in

Thực tế, việc chỉnh trang đô thị không quên những giá trị văn hóa, lịch sử sẽ góp phần giúp Sài Gòn - TP.HCM không chỉ là một đô thị thông thường mà là đô thị chứa đựng bên trong những di sản trăm năm.

Nói như GS-TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, việc chỉnh trang đô thị có gắn những yếu tố văn hóa, lịch sử luôn cần phải lưu tâm. Bởi nét đẹp không chỉ ở cảnh quan mà là nét đẹp, bảo vật của văn hóa dân tộc. “Từ Gia Định đến Sài Gòn và TP.HCM hôm nay là một quá trình lịch sử với dấu ấn, di tích lịch sử trải dài trên mảnh đất Sài Gòn. Đặc biệt trục cảnh quan, kiến trúc, công trình dọc bến Bạch Đằng là quý giá vô cùng. Nguyên tắc chỉnh trang là bảo tồn và phát huy nó, tuyệt đối không thể phá bỏ hay xâm hại những công trình dọc bến Bạch Đằng là tài sản minh chứng cho lịch sử giao thương, lập nên Gia Định - Sài Gòn và TP.HCM hôm nay”.

Cùng quan điểm, TS Lưu Văn Quyết, Trưởng Khoa lịch sử Trường ĐH KHXH&NV, cho rằng: “Không chỉ ở TP.HCM hay Việt Nam, nhìn ra thế giới có thể thấy trong quá trình chỉnh trang đô thị, các TP rất quan tâm công trình kiến trúc dấu ấn di tích lịch sử văn hóa. Bởi thông qua các công trình, người dân, du khách hiểu biết về mảnh đất đó hơn. Một du khách khi đến một vùng đất, tâm lý ai cũng tìm kiến trúc di tích lịch sử văn hóa để hiểu về lịch sử mảnh đất đó. Bên cạnh đó, với những thế hệ sau, nếu sinh sống, lớn lên mà không biết lịch sử mảnh đất thì rất nguy hiểm cho các nguy cơ về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng, văn hóa dân tộc… Khi mỗi người dân nhận thức được giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thì quốc gia mới thật sự an toàn.

Vì thế, quá trình tôn tạo bất cứ đô thị nào, nhất là những đô thị ẩn chứa nhiều công trình di sản như TP.HCM thì rất cần chú trọng việc hài hòa, bảo tồn. Và việc bảo tồn này không chỉ cho các công trình kiến trúc mà cả những mảng xanh lâu năm”.

Chính khi những giá trị văn hóa, lịch sử hiện hữu hài hòa cùng các công trình mới vừa được chỉnh trang thì khi đến khu vực đó, các bạn trẻ không chỉ đơn thuần chụp ảnh check-in về một điểm mới mà còn học được những bài học thật về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên.

Công viên Công trường Mê Linh và  tượng đài Đứthánh Trần Hưng Đạo trong những ngày cuối của việc chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng. 
Ảnh: QUỲNH TRANG

Tôn tạo hài hòa ụ tàu Ba Son cho trục di sản bến Bạch Đằng

TS Lưu Văn Quyết cũng lưu ý thêm dẫu thời kỳ phát triển toàn diện nhiều mặt làm sao để cân đối, dung hòa yếu tố văn hóa, giá trị của hôm qua với sự phát triển hiện nay là điều rất cần suy nghĩ.

“Chúng ta không phải để nguyên xi như ngày xưa với tốc độ phát triển kinh tế, cư dân… của TP.HCM nhưng làm sao bảo tồn hài hòa trong tổng thể quy hoạch, bảo đảm giá trị lịch sử TP, làm sao TP.HCM có dấu ấn của trung tâm giao thương, lịch sử lâu năm. Đơn cử khu vực cảng Ba Son, chúng ta đã có nóng vội khi dẹp bỏ nhưng hiện vẫn bảo tồn công trình ụ tàu (ụ tàu Ba Son là ụ tàu duy nhất gần như còn nguyên vẹn sau hơn 134 năm xây dựng, là di tích lịch sử quốc gia - PV).

Vậy bảo tồn ụ tàu trong không gian tòa nhà hiện đại sắp mọc lên xung quanh thì việc phát huy di sản đó ra sao, phải tính toán thật kỹ. Nó góp phần cùng với các công trình còn lại ở bến Bạch Đằng: Tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo, súng thần công, cột cờ Thủ Ngữ, cầu Mống, bến Bạch Đằng tạo nên trục di sản của Sài Gòn” - TS Quyết chia sẻ thêm.

Trục di sản bến Bạch Đằng - Thủ Thiêm - bến Nhà Rồng

Từ ngày 10-6-2021, UBND TP.HCM đã triển khai kế hoạch chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng, quận 1 với hai giai đoạn. Tổng diện tích chỉnh trang là 16.000 m2 kéo dài từ Công viên cột cờ Thủ Ngữ khu vực súng thần công.

Hiện khu vực Công viên bến Bạch Đằng đang ở giai đoạn cuối của việc chỉnh trang Công trường Mê Linh - tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo, tôn trí bệ thờ, lư hương… Sau khi công trình chỉnh trang này hoàn tất, có lẽ bến Bạch Đằng sẽ là trục quần thể lịch sử - văn hóa của Sài Gòn với hàng loạt công trình ghi dấu mảnh đất trung tâm kinh tế, văn hóa Nam Kỳ.

Từ trụ sở của hãng vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes (Pháp) xây dựng từ những năm 1864 - bến Nhà Rồng; đến cây cầu cổ xưa nhất Sài Gòn - cầu Mống (xây năm 1894, 128 năm tuổi) cũng với dấu ấn của hãng Messageries Maritimes hay cột cờ Thủ Ngữ với 157 năm tuổi là nơi phát tín hiệu cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực Sài Gòn - Gia Định… đặt nền móng cho việc giao thương đường thủy, văn hóa sông nước của Sài Gòn và cả miền Nam.

Trong quá trình chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng, nhiều người dân yêu mến mảnh đất Sài Gòn mong muốn xa hơn, một sự kết nối của trục di sản hiện hữu trên bến Bạch Đằng từ bờ này sang đến bên kia sông Sài Gòn. Theo đó:

- Trục bến Bạch Đằng: Cầu Mống (di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp TP); cột cờ Thủ Ngữ (di tích lịch sử cấp TP); tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo; khu vực súng thần công; địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son gồm: Ụ tàu nhỏ và triền nề (di tích lịch sử cấp quốc gia).

- Trục kết nối bến Bạch Đằng - Thủ Thiêm - bến Nhà Rồng: Cụm di sản bến Bạch Đằng nếu khéo léo sẽ kết hợp trong các lộ trình đường bộ lẫn đường thủy với bến Nhà Rồng tức Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP.HCM (di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP); cùng với đó là nhà thờ Thủ Thiêm - tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP).

Tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên của Việt Nam

Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh là tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên của Việt Nam. Bức tượng cao 6 m, đặt trên bệ đỡ hình lăng trụ tam giác cao khoảng 10 m. Ba mặt trụ đều có các bức phù điêu kể lại điển tích ba lần nước Đại Việt đánh đuổi quân Nguyên Mông của Hưng Đạo Đại vương.

Dưới chân bệ đỡ tượng đài là hồ bán nguyệt. Mặt chính hướng ra sông của tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo chính là một lư hương to lớn, chạm khắc rồng. Đây là nơi dâng hương để tưởng nhớ Đức thánh trong các ngày lễ trọng đại và cho khách thập phương thăm viếng.

Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử TP.HCM (Sở VH&TT TP.HCM) hỗ trợ hướng dẫn về mặt chuyên môn trong việc tu bổ tượng đài Trần Hưng Đạo. Theo đó, tượng đài Trần Hưng Đạo giữ như cũ, cải tạo, sửa chữa giữ đúng ban đầu, không thay thế tượng mới. Dự kiến trong tháng 2 này, việc tôn tạo khu vực tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo sẽ hoàn thiện với đầy đủ không gian lịch sử cũng như nghi thức văn hóa cần có. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm