Bắt đầu chữa trị rùa Hồ Gươm

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, Viện Nuôi trồng thủy sản, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm, cho biết: Rùa chỉ bị bệnh loét mạn tính ngoài da do vi khuẩn và nấm. Bước đầu chỉ cần bôi thuốc Castellani kháng khuẩn và theo dõi hằng ngày, chưa cần tiêm hoặc cho uống thuốc. Các chuyên gia xác định rùa Hồ Gươm có chiều dài thân gần 2 m và nặng khoảng 150 kg.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, tổ trưởng lai dắt rùa, cho biết thêm: Trong cuộc quây bắt rùa hôm 3-4, các thành viên trong đội đã phát hiện vết tăm khá to khác. Nhà giáo Lưu Đức Ngò - người có bộ sưu tập lên tới 500 kiểu ảnh về rùa Hồ Gươm, cũng khẳng định có nhiều rùa sống dưới hồ. Còn theo một số người thường xuyên theo dõi các sinh vật sống tại hồ, trong hồ hiện có ba cá thể rùa lớn. Nhìn vào các tấm ảnh bên, có thể nhận thấy cá thể rùa vừa bắt được (ảnh 1) có mai nhẵn và khá khỏe mạnh. Trong khi đó, cá thể rùa nổi tại khu vực nhà Thủy Tạ ngày 26-2 (ảnh 2) trên mai bị mốc một khoảng rộng và rất yếu.

Ngày 5-4, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM đã công bố phát hiện một số cá thể rùa quý hiếm - rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) tại các khu rừng thuộc cao nguyên Lang Biang. Tiến sĩ Hoàng Đức Huy, thành viên của nhóm phát hiện, cho hay ở Việt Nam, loài rùa hộp trán vàng miền Nam được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1998 tại TP.HCM qua điều tra hoạt động mua bán động vật hoang dã. Nhưng chưa có nhà khoa học nào bắt gặp được loài rùa này trong tự nhiên.

Phát hiện này là kết quả của các cuộc khảo sát từ tháng 7-2010 đến đầu năm 2011 của nhóm các nhà khoa học ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM và Tiến sĩ Bryan Stuart (Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Bắc Carolina, Mỹ).

V.THỊNH - B.LÂM - M.PHONG - H.VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới