Hôm nay (14-4), Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi. Sau khi hoàn thành kiểm định, vaccine Moderna được chính phủ Úc viện trợ đã được chuyển đến Quảng Ninh để sẵn sàng tiêm cho trẻ đang học lớp 6 trên địa bàn tỉnh.
Học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long, Quảng Ninh) được dặn dò, hướng dẫn tại lễ phát động tiêm chủng vaccine COVID-19 ngày 13-4. Ảnh: CDC QUẢNG NINH |
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên tiêm vaccine
Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế ngày 13-4, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết theo báo cáo từ 63 tỉnh, thành, đến nay có khoảng 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ năm đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, 8,2 triệu trẻ chưa mắc và 3,6 triệu trẻ đã mắc, dự kiến quý II sẽ hoàn tất tiêm vaccine. Sau khi tiêm ở Quảng Ninh, vaccine sẽ được vận chuyển đến các địa phương khác để tuần tới tiến hành tiêm cho trẻ lớp 6 trên toàn quốc.
“Việc tiêm chủng sẽ thực hiện trước ở nhóm trẻ lớp 6, sau đó hạ dần độ tuổi tiêm cho trẻ lứa tuổi nhỏ hơn. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Với mỗi lô vaccine và từng nhóm trẻ, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể” - bà Hồng nói.
Hiện có hai loại vaccine ngừa COVID-19 được tiêm cho trẻ là vaccine Pfizer và vaccine Moderna, khoảng cách giữa hai mũi tiêm là bốn tuần. Vaccine Pfizer tiêm cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi, vaccine Moderna tiêm cho trẻ từ sáu tuổi. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm hai mũi cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
Vaccine Pfizer tiêm cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi, vaccine Moderna tiêm cho trẻ từ sáu tuổi, không tiêm trộn, khoảng cách giữa hai mũi là bốn tuần.
Các phản ứng sau tiêm đối với trẻ từ năm đến 12 tuổi tương tự đối với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi. Cụ thể, trẻ có thể gặp tình trạng đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, sốt, kiệt sức, đau đầu tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm, đau cơ và ớn lạnh (các phản ứng sẽ gặp ở liều thứ hai nhiều hơn).
30% cha mẹ do dự tiêm vaccine cho trẻ
Qua khảo sát tại nhiều thời điểm vẫn còn khoảng 30% cha mẹ do dự trong việc đưa con đi tiêm. Với 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 thì hoãn tiêm ba tháng kể từ ngày khởi phát bệnh, ngành y tế sẽ cố gắng tối đa hoàn thành việc tiêm cho những trẻ này trong tháng 7 và 8.
Trẻ chỉ tiêm vaccine khi thực sự khỏe mạnh
Bà Hồng lưu ý trước khi đưa trẻ đi tiêm, cha mẹ phải theo dõi việc ăn uống, ngủ, sinh hoạt của trẻ có bình thường không, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm chủng theo các tháng, tiêm bổ sung, tiêm vét, vì thế khi trẻ thực sự khỏe cha mẹ hãy đưa con đi tiêm.
Khi người đưa trẻ đi tiêm hoặc bản thân trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 thì không đến điểm tiêm, tránh lây lan mầm bệnh. Ở điểm tiêm, cha mẹ cũng cần chia sẻ với cán bộ y tế khám sàng lọc về tiền sử bệnh tật, dị ứng, trẻ có bệnh mạn tính hay không để có chỉ định và hướng dẫn cụ thể, cần thiết chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện.
“Trong quá trình tiêm, cha mẹ cũng lưu ý tương tác với cán bộ tiêm để biết con tiêm vaccine gì và có thể có phản ứng phụ gì. Sau tiêm, trẻ cần ở lại điểm tiêm chủng theo dõi 30 phút, cha mẹ tiếp tục theo dõi sức khỏe của con trong ít nhất ba ngày sau tiêm. Các phản ứng phụ thông thường có thể xuất hiện 4-8 tiếng sau tiêm, diễn tiến trong hai ngày đầu và giảm dần. Nếu thấy trẻ sốt, phát ban, khó thở, tím tái, mệt mỏi, li bì hoặc thấy biểu hiện thông thường tăng mức độ trầm trọng cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất” - bà Hồng nhấn mạnh.
Bà Hồng cũng thông tin thêm đến nay đã có 53 quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này mới được thực hiện từ tháng 1-2022 nên việc theo dõi phản ứng miễn dịch đang được tiếp tục cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo TS-BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhi trung ương, trong ba ngày đầu mới tiêm, phụ huynh và giáo viên cần quan sát toàn trạng của trẻ, diễn biến sốt hay có thay đổi màu sắc da, niêm mạc mắt, trẻ có nổi ban hay không để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế chăm sóc. “Yêu cầu giáo viên không tổ chức các môn học hay các hoạt động vận động mạnh như hoạt động thể lực mạnh trong các môn học dễ gây nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm như tim đập nhanh, khó thở dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi” - BS Ngãi khuyến cáo.•
Hai kịch bản phòng chống COVID-19 giai đoạn mới
Kịch bản thứ nhất: Biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và dần giảm độc lực, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine và mắc bệnh, số ca chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Kịch bản này có xu thế xảy ra nhiều hơn, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, đưa COVID-19 sang bệnh lưu hành, mọi hoạt động xã hội trở về bình thường. Khi đó chủ yếu tập trung vào đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền.
Kịch bản thứ hai: Đến nay hiểu biết về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện, việc xuất hiện các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Các biến chủng này có thể hình thành do tương tác giữa các biến thể cũ hoặc chủng mới hơn, chủng mới xuất hiện sẽ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine và có thể làm lây lan nhanh hơn, tăng nguy cơ chuyển nặng. Với kịch bản này, chúng ta sẽ triển khai lại các biện pháp phòng chống dịch cấp bách như từng làm trước đó.
GS-TS PHAN TRỌNG LÂN,
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế