Vào cuối năm 2015, trong một hội nghị về giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng đề xuất xe máy phải bật đèn (đèn Position light hay gọi là đèn đờ mi), phía trước hoặc sau xe trong suốt quá trình lưu thông.
Tuy nhiên, thời điểm đó có quá nhiều ý kiến phản đối nên đề xuất này dường như bị “bỏ ngỏ”.
Khi đó Pháp Luật TP.HCM cũng đã có một số bài viết phản ảnh về đề xuất này như: Tranh cãi buộc xe máy bật đèn ban ngày; Buộc xe máy phải bật đèn cả ban ngày, chỉ thêm phiền phức.
Hầu hết các ý kiến góp ý khi đó đều cho rằng việc bật đèn ban ngày là không phù hợp, không cần thiết, gây tốn kém và làm tăng giá xe...
Vừa qua, Chính phủ giao cho Bộ GTVT chủ trì soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008, Ủy ban An toàn Quốc gia và một số thành viên ban soạn thảo tiếp tục có nghiên cứu, kiến nghị về đề xuất trên và thống nhất đưa vào dự luật để lấy ý kiến.
Theo thành viên ban soạn thảo, hiện nay quy định này không chỉ các nước châu Âu mà các nước Đông Nam Á có mật độ xe và khí hậu tương ứng Việt Nam, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đã thực hiện.
Trong đó, Malaysia đã có đánh giá việc áp dụng quy định bật đèn xe máy cả ngày. Kết quả, quy định trên giúp tài xế nhận diện được phương tiện nhanh hơn, tai nạn giao thông giảm mạnh, đặc biệt tiêu thụ năng lượng của đèn rất nhỏ và không làm tăng lượng nhiệt lên.
Khi đó, đèn chiếu sáng được đề xuất là đèn Position light hay gọi là đèn đờ mi (ảnh), được lắp đặt phía trước và phía sau. Việc bật đèn xe trong tất cả thời gian ban ngày có tác dụng báo vị trí xe, có thể dùng khi dừng xe, trong điều kiện chiếu sáng không tốt. Ở một số nước, đây là loại đèn sẽ luôn được bật khi xe khởi động, giúp cho người đi đường nhận biết được xe máy tốt hơn nên giảm tai nạn giao thông. |