Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã trình báo cáo UBND TP.HCM về hàng chục dự án giao thông trọng điểm sẽ được triển khai trên địa bàn TP. Điều này sẽ tạo xung lực cho thị trường bất động sản (BĐS) có cơ hội sớm hồi phục trở lại.
Đẩy mạnh thi công 34 dự án, công trình giao thông trọng điểm
Mới đây, Sở GTVT TP đã trình báo cáo UBND TP.HCM 34 dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn với tổng vốn đầu tư hơn 245.000 tỉ đồng như: dự án Xây dựng tuyến nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), dự án Mở rộng QL50 (huyện Bình Chánh), dự án Xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức), đường Song Hành cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây (TP Thủ Đức), cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, nâng cấp mở rộng QL13, tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt metro số 1…
Trong ngày 15-4 vừa qua, lãnh đạo UBND TP cùng các sở ban ngành liên quan đã đi kiểm tra tiến độ tại các công trường dự án trong danh mục các công trình giao thông trọng điểm này để đốc thúc và chỉ đạo kịp thời.
Đồng thời, chiều cùng ngày, thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ cùng các lãnh đạo TP.HCM, TP Thủ Đức cũng đã đi thực địa, nghe báo cáo về các dự án giao thông trọng điểm như nút giao thông An Phú, đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây, khảo sát dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên)...
Các công trình này đóng vai trò kết nối vùng, cửa ngõ thành phố, rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tổ chức giao thông, có sử dụng nguồn lực Trung ương.
Thủ tướng yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương thiết kế và thi công nút giao thông An Phú. Ảnh: VGP |
Nút giao thông An Phú (phường An Phú, TP Thủ Đức) có tổng mức đầu tư hơn 3.408 tỉ đồng từ vốn đầu tư công của ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2022- 2025. Theo nhà thầu thi công, dự án này có thể hoàn thành dự kiến vào tháng 12-2024.
Theo phương án thiết kế, nút giao 3 tầng gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Mặt đất sẽ xây đảo và tiểu đảo, cảnh quan cây xanh cùng tháp biểu tượng tại vòng xoay trung tâm. Trên cao xây dựng hai cầu vượt một cầu dạng chữ Y nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và Lương Định Của qua đường dẫn cao tốc; một cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc qua Mai Chí Thọ.
Phối cảnh nút giao thông An Phú. Khi hoàn thiện, đây sẽ là nút giao lớn nhất và đẹp nhất TP.HCM. |
Khi hoàn thành, đây sẽ là nút giao lớn nhất và đẹp nhất thành phố, được kỳ vọng giảm ùn tắc cho tuyến đường vào cảng Cát Lái (đường Đồng Văn Cống) và giao thông khu vực cửa ngõ phía đông, kết nối thuận lợi với sân bay quốc tế Long Thành khi sân bay hoàn thành và đưa vào khai thác, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực Thủ Đức nói riêng, TP.HCM nói chung.
BĐS kỳ vọng ăn theo hạ tầng
Theo ghi nhận, nút giao thông An Phú đã thi công từ đầu năm 2023 với sự triển khai đồng loạt của 10 gói thầu và hiện đang trong giai đoạn di dời hơn 1.300 cây xanh trên trục đường Mai Chí Thọ để lấy mặt bằng làm dự án.
Cạnh đó là đường Song Hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang được đẩy nhanh thi công, đã hoàn thành gần xong, hiện đang thi công hạng mục bó vỉa hè, đá dăm.
Theo đơn vị thi công, công trình sẽ hoàn thành và bàn giao đoạn 1 từ đường Nguyễn Thị Định đến đường Đỗ Xuân Hợp cho UBND TP.HCM vào tháng 6-2023 để sử dụng cho cư dân và việc thi công nút giao thông An Phú; đoạn còn lại dự kiến bàn giao trong năm 2025.
Hai công trình trọng điểm này sau khi hoàn thành cùng với tuyến metro số 1 dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2023 sẽ vực dậy cả thị trường BĐS khu vực phía Đông TP.HCM được hưởng lợi.
Đường Song Hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang được đẩy nhanh thi công, sắp hoàn thành và bàn giao giai đoạn 1 cuối tháng 6-2023. |
Việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm này cùng đề án phát triển TP Thủ Đức đến năm 2040 với quy hoạch đa tâm với Thảo Điền – An Phú – Thủ Thiêm là ba trung tâm đô thị chính đang giúp các dự án BĐS tại khu vực An Phú và khu vực lân cận hưởng lợi lớn.
Theo quan sát, các dự án đang và sắp triển khai thi công trở lại như Global City, Senturia An Phú, Vinhomes Grand Park, The Classia, The Rivus Elie Saab... sẽ đóng góp phần lớn nguồn cung nhà ở của TP.HCM, thu hút lượng lớn cư dân và chuyên gia đổ về đây đầu tư, an cư sinh sống.
Theo Colliers dự báo, năm 2023 cũng sẽ cho thấy sự dịch chuyển của các dự án BĐS liền thổ ra các khu vực vệ tinh. Những khu vực lân cận trung tâm có điều kiện thuận lợi để phát triển, hạ tầng được đầu tư đồng bộ và quỹ đất sạch còn nhiều, dễ dàng tạo nên các dự án mang tính độc bản, thu hút được người mua.
Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, điểm thú vị của BĐS Việt Nam là đã dẫn trước các thị trường khác nhờ tốc độ đô thị hóa 47%. Trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước với quá trình đô thị hóa. Lượng dân số ở tầng lớp trung lưu và giàu có ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn cung giá vừa túi tiền đang thiếu hụt khi các chủ đầu tư chạy theo các sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Vì vậy, nhu cầu phân khúc này sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài.
“Đối với các nhà đầu tư cá nhân, sáu tháng đầu năm sẽ là thời gian quan trọng để họ quan sát trước khi đưa ra quyết định. Sáu tháng cuối năm sẽ chứng kiến làn sóng tích cực từ BĐS. Trong bối cảnh những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu đang dịu lại, các nhà đầu tư không nên vội vã rút khỏi thị trường” - chuyên gia Savills nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước đang làm rất tốt trong việc giữ giá đồng VND ổn định so với các loại tiền tệ khác. BĐS là một khoản đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư cảm thấy bất an về những rủi ro từ 1 - 2 năm nên tìm một kênh đầu tư phù hợp hơn. Còn nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, thị trường BĐS Việt Nam đang có vị thế rất tốt để cân nhắc đầu tư.