Bất động sản phục hồi: Phải chờ đến cuối 2025

(PLO)- Theo các chuyên gia, những thay đổi trong hành lang pháp lý, quản lý và hành chính sẽ là thách thức mới tác động mạnh mẽ đến nguồn cung bất động sản giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam

Tại buổi tọa đàm chủ đề “Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024 và đầu năm 2025” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 10-10, nhiều chuyên gia đều chung nhận định thị trường bất động sản đang có nhiều động lực xen lẫn thách thức, phải bước qua năm 2025 mới có thể phát triển ổn định.

5 thách thức

TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý, thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước - Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết qua bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 có thể thấy GDP đã tăng trưởng vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn dựa vào mô hình truyền thống, tập trung vào phát triển đô thị công nghiệp, tăng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vẫn còn nhiều thách thức từ nay đến cuối năm.

"Thứ nhất là thách thức phản ứng chính sách. Hiện nay, sự linh hoạt trong phản ứng chính sách là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, mặc dù TP.HCM đã có nhiều cơ chế đặc thù như Nghị quyết 98, việc triển khai và thực thi vẫn chưa đạt hiệu quả cao và chưa thực sự rõ ràng. Điều này cho thấy vẫn còn những khó khăn trong việc biến chính sách thành hành động cụ thể" - TS Nghĩa chia sẻ.

Thách thức thứ hai liên quan đến đầu tư hạ tầng. Đầu tư hạ tầng, từ quy hoạch tuyến tàu cao tốc đến các hạ tầng giao thông khác là một yếu tố quan trọng trong việc kết nối và phát triển kinh tế. Nếu các vấn đề về quy hoạch đường cao tốc và quốc lộ được giải quyết thì việc kết nối kinh tế sẽ trở nên dễ dàng hơn.

bat-dong-san-tphcm2.jpg
TS Huỳnh Phước Nghĩa

Thách thức từ quản lý công và hành chính công cần được cải thiện quy trình để tăng cường tính hiệu quả và minh bạch.

Thứ tư là thách thức chuyển đổi mô hình tăng trưởng và động lực tăng trưởng. Ngành công nghiệp vi mạch đã được nhắc đến rất nhiều nhưng để triển khai cần nhiều thời gian hơn.

bat-dong-san-tphcm1.JPG
TS Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng những thay đổi trong hành lang pháp lý, quản lý và hành chính sẽ là thách thức có tác động mạnh mẽ đến nguồn cung bất động sản.

Thứ năm là thách thức liên quan đến khung pháp lý. Những thay đổi trong hành lang pháp lý, quản lý và hành chính sẽ có tác động mạnh mẽ đến nguồn cung bất động sản, đặc biệt là trong phân khúc nhà ở.

Trước những thách thức trên, TS Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Sang năm mới, phải đến nửa cuối năm 2025 thì thị trường mới thực sự hồi phục.

Cần tiếp tục tháo gỡ vướng nguồn cung để kéo giá nhà

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết thị trường bất động sản đón nhiều tin vui như Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 115/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Trong đó, một điểm mới quan trọng là việc sửa đổi quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư không còn bắt buộc phải quy hoạch theo tỉ lệ 1/500 đã đồng bộ thống nhất với các Luật khác.

Theo Bộ xây dựng, cả nước còn khoảng hơn 500 dự án đang chờ gỡ vướng mắc pháp lý.

Tin vui nữa là các dự án gặp vướng mắc tại TP.HCM ban đầu là hơn 148 dự án nhưng đến nay thành phố đã giải quyết được khoảng 1/3 số lượng dự án này ở các cấp độ khác nhau. Mặc dù đây chưa phải là giải pháp triệt để nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp.

bat-dong-san-tphcm4.JPG
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị TP.HCM cần tiếp tục gỡ vướng cho các dự án tăng nguồn cung, kéo giảm giá nhà.

Trong giai đoạn 2015-2023, TP HCM đã phê duyệt 257 dự án nhà ở thương mại, trong đó có hơn 148 dự án chưa thể triển khai. Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị thành phố tháo gỡ các vướng mắc cho những dự án này. Nếu tháo gỡ các dự án đó, chẳng hạn 1 dự án gồm 1.000 căn, thị trường sẽ có thêm đến 148.000 căn hộ mới. Điều này trực tiếp điều tiết thị trường và kéo giảm giá nhà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ngoài ra gần đây, Chính phủ đã thông qua Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Bên cạnh đó, phân khúc nhà ở thương mại với mức giá vừa túi tiền cũng đang được đặc biệt quan tâm.

Ông Châu đề nghị có thêm chính sách và cơ chế hỗ trợ cho gần 200.000 chủ nhà trọ đang giải quyết nhu cầu nhà ở cho thuê rất lớn. Đồng thời giảm thuế khoán từ 7% doanh thu xuống còn 3,5% để các chủ nhà trọ có điều kiện nâng cấp nhà ở, tạo ra môi trường sống tốt hơn và hiện đại hơn.

TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện bảng giá đất mới trước 15-10

Ông Đào Quang Dương, Phó Phòng Kinh tế đất Sở TNMT TP.HCM, cho biết Sở TNMT đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành và TP Thủ Đức để đánh giá toàn diện về bảng giá đất, tình hình kinh tế - xã hội và các ngành nghề nhằm phân tích từng lĩnh vực cụ thể.

Ví dụ, đối với lĩnh vực sản xuất, khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao, thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, việc áp dụng bảng giá đất mới đang được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo mức thu hợp lý và phù hợp với từng lĩnh vực. Mục tiêu là khi bảng giá đất mới được ban hành sẽ giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế TP.HCM và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.

bất động sản
Bảng giá đất mới của TP.HCM đang được khẩn trương hoàn thiện, đảm bảo mức thu hợp lý và phù hợp với từng lĩnh vực.

Bảng giá đất hiện đang được hoàn thiện và sẽ tiếp tục trình Hội đồng trong thời gian tới. Để bảo đảm bảng giá đất mới phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và triển khai hiệu quả hơn, sở đã phân tích, đánh giá từ năm 2011 đến giai đoạn COVID-19 và so sánh với hiện tại để xây dựng bảng giá đất phù hợp. Về thời hạn ban hành bảng giá đất mới trước ngày 15-10, các sở, ngành đang khẩn trương hoàn thiện và trình lại bảng giá đất điều chỉnh này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm