Bất động sản toàn cầu miễn nhiễm với COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo do Savills - đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS) vừa công bố cho thấy BĐS nhà ở toàn cầu những tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự hồi phục khả quan với mức tăng trưởng giá trung bình đạt 3,9%.

Giá BĐS trên toàn cầu tăng chóng mặt

Savills đã tiến hành cuộc khảo sát tốc độ hồi phục của thị trường nhà ở tại 30 thành phố trên toàn cầu.

Kết quả cho thấy trong khoảng thời gian từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2020, thị trường nhà ở tại những thành phố này chỉ ghi nhận mức tăng trưởng giá nhẹ khoảng 0,7%.

Thế nhưng chỉ trong nửa đầu năm 2021, thị trường BĐS cao cấp tại nhiều nước có mức tăng trưởng giá trung bình đạt 3,9%, mức tăng nhanh nhất kể từ cuối năm 2016 nhờ lãi suất cho vay đang ở mức thấp cũng như các quốc gia đẩy mạnh biện pháp kích cầu kinh tế.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn & Nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết: “Trong sáu tháng đầu năm 2021, hơn 70% các thành phố trong khảo sát ghi nhận tăng trưởng trong giá trị BĐS nhà ở. Chỉ có những thị trường chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu đến từ khách hàng quốc tế thì hiện vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm.”

Cụ thể, tại Mỹ, Los Angeles và Miami dẫn đầu với mức tăng trưởng trên 9%. New York cũng ghi nhận số lượng giao dịch tăng, dù giá BĐS giảm liên tục trong vòng bốn năm trước.

Tại châu Âu, giá trị BĐS tại London ổn định trong năm 2020 và tăng 1,1% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Đối với thị trường châu Á, Trung Quốc là quốc gia ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt về giá BĐS nhà ở trong năm 2021.

Mức tăng tại Quảng Châu được ghi nhận là 7,9% trong khi tại Thượng Hải lên tới 13,7%. Những giao dịch mua với mục đích cho thuê đã dẫn dắt mức tăng giá của thị trường trong năm qua. Hầu hết nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin rằng BĐS tại đây là kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền.

Tại Hong Kong, giá BĐS nhà ở tăng 1,9% trong 6 tháng đầu năm nhờ lãi suất thấp và các hoạt động du lịch được cho phép hoạt động trở lại.

Trong khi đó, thị trường nhà ở tại Paris ghi nhận mức giá giảm và số lượng giao dịch giảm khá lớn so với năm trước. Nguyên nhân chính nằm ở lệnh giãn cách xã hội kéo dài, từ đó tác động tiêu cực tới niềm tin của người mua tại thị trường này. 

Lực cầu về giao dịch mua bán nhà đất vẫn ở mức lạc quan. Ảnh: Internet

BĐS trong nước lạc quan dù khó khăn về dòng tiền

Tại Hà Nội, trước những diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay, các chuyên gia cho rằng tình hình hoạt động của thị trường sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giá BĐS, đặc biệt là BĐS đô thị từ nay tới cuối năm dự kiến sẽ không giảm mặc dù đang có áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư.

Chia sẻ những khó khăn về dòng tiền, tại tọa đàm “Sàn giao dịch và môi giới BĐS vượt khó do ảnh hưởng COVID-19: Giải pháp và kiến nghị”, bà Nguyễn thị Thanh Hương – TGĐ Đại Phúc Land cho biết: “Hiện các doanh nghiệp nói chung trên địa bàn TP.HCM đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có, khiến kế hoạch kinh doanh của năm nay khó có thể hoàn thành như dự kiến".

"Do phải thực hiện giãn cách nên kế hoạch ra hàng của các chủ đầu tư đều phải trì hoãn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu của các nhà kinh doanh BĐS.

Thêm vào đó tình hình giá nguyên vật liệu đang tăng nhanh chóng. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay tới từ áp lực dòng tiền. Trong khi doanh thu hoàn toàn ngưng trệ mà dòng tiền vẫn tiếp tục phải chi để duy trì các hoạt động bình thường như trả lương, đảm bảo vận hành các dịch vụ cơ bản...” - bà Hương nói.

Đánh giá về triển vọng thị trường những tháng cuối năm, bà Đỗ Thu Hằng cho biết: “Phân khúc căn hộ, đất nền sẽ tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái do các chủ đầu tư, nhà đầu tư đều giữ tâm lý thận trọng. Giá được dự báo sẽ không giảm mặc dù đang có áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư.”

Nhận định về thị trường nhà sau dịch, bà Hằng đánh giá: “Nhìn chung, sau khi dịch được kiểm soát, hoạt động thị trường sau thời gian bị nén lại được dự báo sẽ sôi động hơn. Hiện nay, trên thị trường Hà Nội, các sản phẩm nhà ở với khoảng giá từ 35 - trên 40 triệu đồng/m2 đang nhiều hàng và cũng đang bán được với số lượng nhiều nhất.

Nguồn cung căn hộ dưới mức giá này chiếm tỉ trọng ít hơn, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách hàng. Trong khi đó, căn hộ cao cấp với mức giá trung bình từ 75 - 80 triệu đồng trở lên không nhiều, tốc độ bán cũng chậm hơn các khoảng giá khác”.

 

Khách hàng chỉ giảm sút trong ngắn hạn

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Vietnam cho biết: Nguồn cung khan hiếm do từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khó chồng khó, nguồn cung trên thị trường gần như bằng 0 nếu việc giãn cách tiếp tục kéo dài.

Hiện nguồn cung chủ yếu chỉ có trên thị trường thứ cấp mua đi bán lại. Thu nhập của người mua đang bị giảm đi nhưng nguồn tiền từ tích luỹ vẫn còn do giãn cách thì chỉ dành cho nhu cầu thiết yếu.

Do đó, khi tình hình dịch được kiểm soát, thị trường BĐS trở lại bình thường thì lực cầu sẽ khá lạc quan.

Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó TGĐ Kênh thông tin batdongsan.com.vn, chỉ ra qua ba đợt dịch trước, lượng khách hàng chỉ giảm sút trong ngắn hạn và tăng nhanh trở lại từ 300-400% so với trước đó.

"Điều này lặp đi lặp lại chứ không phải chỉ diễn ra đơn lẻ một lần. Điều đó phản ánh lượng cầu trên thị trường vẫn còn rất lớn. Do lựa chọn kênh đầu tư trên thị trường hiện không còn quá nhiều, hơn nữa, BĐS vẫn là một trong những kênh được nhiều người quan tâm" - ông Quốc Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm