Từ đầu năm đến nay, địa bàn TP.HCM có khoảng 45.000 căn hộ mới được mở bán, chưa kể số căn còn tồn dư. Những dự án đưa ra thị trường đa số là dự án trung và cao cấp, trong khi sức cầu ở phân khúc này không quá lớn, vậy nhưng, theo các chủ đầu tư, hầu như các dự án đều hết hàng sau khoảng 3 tháng mở bán.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Đông Sài Gòn cho biết ở sàn của ông, khách hàng phần lớn là nhà đầu cơ, vì khi mua nhà rồi họ không về ở, mà bỏ đó chờ giá lên bán lại kiếm lời.
“Việc đầu cơ này âm thầm, nhưng số lượng khá nhiều. Họ mua đi bán lại chỉ để lướt sóng, không cần lợi nhuận nhiều, thường đầu cơ theo nhóm riêng lẻ nên không rầm rộ như thời kỳ những năm 2007, 2008”, ông Long nói.
Những nhà đầu cơ bất động sản khi mua nhà không về ở, mà bỏ đó chờ giá lên bán lại kiếm lời .
Đầu tháng 10/2016, khi Công ty Bất động sản Hưng Thịnh Land mở bán dự án trên đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), chủ đầu tư giới hạn bán cho mỗi khách hàng một căn. Nhưng khá nhiều người đặt mua liền một lúc 5-10 căn. Khi không được đáp ứng, họ đã đi tìm phóng viên để kiện chủ đầu tư vì không bán cho họ.
Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, đây là chính sách để đối phó với nạn đầu cơ trong dự án, tránh tình trạng người có nhu cầu mua nhà ở thực lại phải mua với giá cao hơn giá mà chủ đầu tư bán, mà người hưởng lợi lại là những người đầu cơ.
"Nếu để nhà đầu cơ thao túng lượng lớn căn hộ, chính chủ đầu tư chúng tôi là người chịu thiệt, bởi nếu nhà đầu cơ không sớm đẩy được căn hộ đi thì họ sẽ chậm thanh toán, thậm chí chấp nhận chịu phạt để trả lại nhà", ông Hiền nói.
Nhìn lại thị trường bất động sản tăng nóng và hình thành bong bóng trong năm 2007 có thể thấy, chính việc hạ chuẩn cho vay và buông lỏng chính sách tín dụng đã khiến giới đầu cơ dễ dàng vay vốn ôm hàng, khiến giá bất động sản tăng phi mã.
Hệ quả, khi thị trường “xì hơi” gây nên tình trạng dự án dở dang và nợ xấu ngân hàng. Điều này vẫn đang là một bài học nóng hổi với các chủ đầu tư dự án bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra biện pháp siết chặt tình trạng đầu cơ tại dự án của mình, chủ yếu là hạn chế số lượng đặt mua căn hộ giống như Hưng Thịnh Land đã làm. Có chủ đầu tư còn đưa ra quy định, khách hàng chỉ được chuyển nhượng căn hộ sau 1 năm.
“Nếu không siết tình trạng đầu cơ thì chủ đầu tư coi như lấy dây buộc mình, bởi bài học năm 2007 vẫn còn nhãn tiền với giới đầu tư khi thị trường bị bong bóng do giới đầu cơ gây ra”, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Himlam Land nói.
Tuy nhiên, dù các chủ đầu tư có tìm biện pháp siết chặt tình trạng đầu cơ thì dân đầu cơ vẫn có “chiêu” để thâu tóm nhiều căn hộ dự án. Một nhà đầu cơ đất nền và chung cư tại TP.HCM cho biết:
“Để đối phó với việc chủ đầu tư siết số lượng căn hộ bán ra, tôi có thể nhờ cha mẹ, vợ, con, em… đứng tên mua mỗi người một căn hộ thì một dự án tôi vẫn có thể mua được vài căn. Ngoài ra, tôi có thể nhờ nhân viên chính sàn bất động sản của chủ đầu tư đặt mua căn hộ, đứng tên họ, sau đó nhượng lại cho tôi”.
Để hạn chế vấn nạn đầu cơ, mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 19, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở, trong đó có quy định siết nhà đầu cơ.
Theo đó, tại khoản 3, Điều 32, Thông tư 19 quy định về điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì với những người đầu cơ “ôm” nhiều căn nhà trong 1 hợp đồng với chủ đầu tư, khi chuyển nhượng lại, sẽ phải chuyển hết số căn đó.
Việc này không dễ, bởi tìm được người mua “cả lô” không đơn giản. Nếu chuyển nhượng riêng lẻ sẽ phải thực hiện thêm một động tác là ký lại hợp đồng với chủ đầu tư để tách riêng căn hộ muốn bán, hoặc ký phụ lục hợp đồng.