Đua nhau hạ
Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 cùng nghị quyết vừa ban hành, các ngân hàng thương mại bắt đầu lên kế hoạch giảm lãi suất cho vay. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Chỉ thị 04, chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, tiết kiệm chi phí và giảm lãi suất cho vay. Đến nay nhiều ngân hàng đã ra thông báo hạ lãi suất cho vay.
Chẳng hạn, trong ngày hôm nay (15-10), Vietcombank đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay với năm lĩnh vực ưu tiên và cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn đồng loạt giảm về tối đa 6% một năm. Mức điều chỉnh này giảm 1% mỗi năm so với mặt bằng hiện nay. Riêng với các doanh nghiệp khởi nghiệp, do mức cho vay đang ở mức 7% sẽ giảm 2% một năm.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, cho biết thêm những doanh nghiệp đang có các sản phẩm tổng thể với Vietcombank, ngân hàng có thể xem xét giảm sâu hơn nữa. Việc giảm lãi suất sẽ được Vietcombank thực hiện đến hết năm 2016. Sang năm 2017, ngân hàng sẽ căn cứ theo tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước để có phương án cụ thể.
Thị trường bất động sản trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn nếu lãi suất cho vay trong lĩnh vực này hạ theo.
Theo tính toán của Vietcombank, đợt giảm lãi suất này sẽ làm giảm 100 tỉ đồng thu nhập từ lãi cho vay. Tuy nhiên, Vietcombank sẽ tìm cách tiết giảm các chi phí để bù đắp khoản này và đảm bảo mục tiêu lợi nhuận vẫn đạt theo kế hoạch.
“Chúng tôi kỳ vọng Vietcombank giảm lãi suất cho vay sẽ là động lực để các ngân hàng khác cùng hỗ trợ doanh nghiệp. Thanh khoản của các ngân hàng khác đang tốt nên có thể giảm được. Doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng mới khỏe được” - ông Thành nói.
Tương tự, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt điều chỉnh hạ lãi suất cho vay kể từ ngày 15-10. Theo đó, ngân hàng này giảm 1%-1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ sở để Ngân hàng Bưu điện Liên Việt giảm lãi suất cho vay là nguồn lực và nguồn vốn rẻ dồi dào của ngân hàng.
Trước đó, hôm 10-10, HDBank cũng đã giảm lãi suất cho vay 1%, xuống còn 10,5%/năm. Ngân hàng này cũng mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỉ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm. Còn lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Còn hồi cuối tháng 9, Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Vietinbank cùng quyết định giảm lãi suất huy động để rút ngắn khoảng cách với Vietcombank.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến cuối năm nhu cầu tín dụng tăng hơn so với các tháng đầu năm. Một số ngân hàng thương mại lớn sẽ điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây sẽ là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Người mua nhà được hưởng lợi?
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đón nhận thông tin ngân hàng hạ lãi suất cho vay với tâm trạng phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho biết khi ngân hàng hạ lãi suất cho vay, không chỉ bất động sản mà tất cả ngành nghề khác đều được hưởng lợi.
“Lãi suất ngân hàng có sự tác động lớn đến kinh doanh bất động sản. Ngân hàng hạ lãi suất được chút nào thì mừng chút đó. Năm 2008-2009, các ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay tới 20%-25% khiến hàng loạt công ty bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp trắng tay” - ông Đực nói.
Người mua nhà sẽ có nhiều lựa chọn hơn nếu lãi suất cho vay đầu tư và mua bất động sản dễ thở hơn.
Ông Đực cho biết thêm ngân hàng hạ lãi suất thì doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí và hạ giá bán. Người mua nhà cũng được hưởng lợi vì mua được giá tốt. Thanh khoản của ngân hàng cũng tốt hơn vì có nhiều người vay. “Lãi suất giảm 1% thì giá bán nhà có thể giảm được 0,5%” - ông Đực khẳng định.
Ông Lương Sĩ Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị An Gia Investment, cho biết bất cứ dự án bất động sản nào cũng được xây dựng bởi ba nguồn vốn: vay ngân hàng, vốn tự có của chủ đầu tư và huy động vốn của khách hàng.
“Việc ngân hàng giảm lãi suất sẽ tạo ra thanh khoản tốt cho thị trường bất động sản. Nó tác động trực tiếp đến giá bán nhà cho khách hàng. Chắc chắc giá bán nhà sẽ giảm nhưng giảm như thế nào thì phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết” - ông Khoa nói.
Trong khi đó, đại diện Vietcomreal cho rằng mặc dù đợt giảm lãi suất của ngân hàng hiện tại không có nhóm doanh nghiệp bất động sản hay người vay tiền mua nhà, song việc hưởng lợi gián tiếp có thể xảy ra trong thời gian tới, khi các lĩnh vực kinh tế khác có sự khởi sắc.
“Việt Nam nên điều chỉnh lãi suất cho vay ở mức 6%/năm là hợp lý. Ngân hàng Nhà nước phải kích cầu tiêu dùng và sản xuất bằng cách hạ lãi suất ngân hàng. Người dân có thu nhập tốt, ổn định thì tất nhiên họ sẽ mạnh dạn hơn để vay tiền mua nhà” - vị đại diện này nói.
Theo Vietcomreal, nếu lãi suất cho vay về mức 6%/năm, phân khúc bất động sản tầm trung và cao cấp sẽ có thanh khoản tốt và giải quyết được nhiều bài toán cho đất nước như lạm phát, phát triển cơ sở hạ tầng, dễ làm tái định cư nhà ở khi gom dân vào ở chung cư, dành quỹ đất hơn để mở rộng đường…
“Bất động sản là ngành mũi nhọn phát triển đất nước. Chẳng hạn, các ngành kiến trúc sư, kỹ sư, văn phòng, thư ký, môi giới, quảng cáo, marketing… làm trong ngành bất động sản rất nhiều. Công nhân trong ngành thép, gạch, xi măng, hóa chất phục vụ xây dựng công trình cũng rất lớn.
Sau đó đến ngành thiết kế, tranh ảnh, sản xuất giường tủ, nệm, đèn đóm trang trí, công nhân vệ sinh, bảo vệ… Lãi suất hạ không chỉ tác động đến bất động sản mà còn tạo việc làm cho hàng triệu người ở các lĩnh vực khác” - vị đại diện này cho biết.
Người mua nhà cũng như thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi lãi suất giảm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đón nhận tin ngân hàng hạ lãi suất với thái độ dè dặt. “Ngân hàng hạ lãi suất nhưng có công bố ai được vay hay không? Bởi trước đó Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế tín dụng của bất động sản. Vốn cho bất động sản không được khuyến khích” - ông Châu nói.
Ông Châu cho biết thêm lãi suất là quân bài làm doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà. Các doanh nghiệp nước ngoài được vay vốn với lãi suất 4%-5%. Trong khi các công ty bất động sản trong nước phải trả lãi suất lên tới 9%-10%. “Chi phí trả lãi vay cao gấp đôi người ta. Doanh nghiệp nước ngoài không thắng mới lạ” - ông Châu nói.
Tuy nhiên, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng khi lãi suất hạ thì người dân sẽ ít đem tiền gửi vào ngân hàng mà dồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, bất động sản cũng là một kênh đầu tư tốt hơn so với mua USD hay trữ vàng. Vì vậy, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn.
Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết hàng loạt ngân hàng lớn hạ lãi suất là dấu hiệu rất tốt với doanh nghiệp bất động sản trong mùa kinh doanh cuối năm. Bởi phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều sử dụng vốn vay từ ngân hàng. “Doanh nghiệp, người mua nhà sẽ được hưởng lợi từ việc này” - ông Hiếu nói.