Sáng 13-10, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chủ trì cuộc họp góp ý Đề án phát triển thị trường bất động sản TP.HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Đề án sẽ đánh giá thực trạng thị trường bất động sản TP.HCM từ năm 2006 đến nay. Trong đó sẽ đánh giá mặt tích cực của thị trường bất động sản nhà ở, văn phòng cho thuê, khách sạn, mặt bằng bán lẻ… Đồng thời đưa ra những hạn chế, yếu kém cần được khắc phục.
Về định hướng phát triển thị trường bất động sản TP.HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 và tầm nhìn đến 2030, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết sẽ nghiên cứu để tham mưu Chính phủ ban hành hoặc đề xuất với Quốc hội đưa vào hệ thống luật các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ. Phát triển đô thị đa trung tâm cùng với hệ thống giao thông hiện đại. Phát triển đa dạng các loại hình bất động sản, đẩy mạnh phân khúc nhà chung cư và khuyến khích xây nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Minh bạch và lành mạnh hóa thị trường bất động sản là điều bắt buộc.
Kiến nghị Chính phủ thành lập Tổng cục Phát triển nhà ở để điều hành chiến lược phát triển nhà ở cấp quốc gia. Lập Cục Phát triển nhà ở trực thuộc UBND TP.HCM để đảm bảo tính thống nhất và kịp thời trong vận hành thị trường, giúp bất động sản hoạt động lành mạnh và bền vững.
“Đồng thời, xây dựng Trung tâm Thông tin thị trường bất động sản trực thuộc UBND TP.HCM làm đầu mối quản lý và khai thác dữ liệu đất đai, nhà ở, dự án. Sớm xây dựng và công bố chỉ số đánh giá thị trường bất động sản giúp cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách phù hợp với thị trường” - ông Tuấn nói.
Góp ý về đề án, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng đề án làm rất công phu nhưng mô tả nhiều quá mà không có phân tích gì cả. “Mục tiêu của đề án chỉ để phục vụ quản lý nhà nước thì không cần công phu. Cái chính là phải lành mạnh hóa thị trường nhưng đề án không phân tích lành mạnh chỗ nào, chưa hợp lý chỗ nào và quản lý nhà nước góp phần vào như thế nào trong lành mạnh hóa đó” - ông Lịch nói.
Chuyên gia Trần Du Lịch kiến nghị đề án cần chấn chỉnh ngay thị trường sơ cấp nếu không sẽ không kiểm soát được bất động sản. “Chúng ta đang làm một quy trình ngược. Doanh nghiệp được giao đất rồi yêu cầu Nhà nước làm đường, cơ sở hạ tầng để nâng giá bán đất lên. Thị trường nhà ở như chiếc máy bay toàn hạng thương gia chứ không có hạng phổ thông” - ông Lịch thẳng thắn.
Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng Chính phủ đang dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh”, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm 2016. Phương thức xây dựng một luật để bổ sung, sửa đổi nhiều luật đã tiệm cận cách làm luật phổ biến của các nước trên thế giới là sửa đổi, bổ sung từng điều luật để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.
“Đây là là cơ hội vàng để tạo sự chuyển biến lớn trong công tác xây dựng pháp luật, tạo hành lang pháp lý xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh và có tác động tích cực đến thị trường bất động sản” -ông Hiếu nói.
HoREA cũng đề nghị đề án đề nghị thay thế chế định “tiền sử dụng đất” bằng “Thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở” để đảm bảo minh bạch và loại trừ cơ chế "xin-cho".
Hiện nay, tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế nhưng đang là gánh nặng của doanh nghiệp và người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà. Để thị trường bất động sản vận hành theo cơ chế thị trường thì phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế.
Ông Lê Văn Khoa cho rằng đề án khi được ban hành phải đạt được ba mục tiêu chính: Đánh giá hiện trạng bất động sản, tiềm năng cơ hội trên tinh thần phát triển bền vững, tìm kiếm nhóm giải pháp. “Khi đề án được ban hành phải có sức sống, tính khả thi cao, sát sườn và tác động ngay vào thị trường bất động sản” - ông Khoa nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đồng ý với đề xuất thành lập Trung tâm Thông tin thị trường bất động sản. Tuy nhiên khi ra đời, trung tâm này được đặt ở Sở Xây dựng hay Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thì phải bàn thêm.