Mỏi mắt chờ căn hộ bình dân

Các dự án căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội (NƠXH) mang đến cơ hội cho người có thu nhập thấp tại các TP lớn mua được nhà ở và trả góp vay mua nhà với lãi suất thấp. Đây là sản phẩm mà xã hội có nhu cầu rất lớn.

Ước mơ ngôi nhà 1 tỉ đồng

Do thu nhập của hai vợ chồng trẻ không đủ sức mua dự án căn hộ thương mại, anh Trần Minh Tiến (ngụ quận Bình Tân) suốt hai năm nay phải tìm kiếm các dự án NƠXH phù hợp. Thế nhưng mục tiêu này rất khó thực hiện, bởi khi có dự án thì số người đăng ký mua luôn lớn hơn số lượng căn hộ bán rất nhiều.

“Hiện căn hộ giá rẻ nhất cũng trên 20-25 triệu đồng/m2 mà chủ yếu ở Bình Dương. Vay ngân hàng, lãi suất thấp nhất cũng 8%-9%/năm, thời gian trả ngắn nên mỗi tháng mười mấy triệu đồng thì chúng tôi không đủ sức” - anh Tiến chia sẻ.

Theo anh Tiến, với thu nhập hiện nay của đa số người lao động thì NƠXH có giá tầm 1 tỉ đồng là hợp lý. Người mua được vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 5%-6%, trả cả gốc và lãi trong vòng 10-15 năm, thậm chí 20-30 năm… thì mới khả thi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chia sẻ vì thiếu chính sách hỗ trợ NƠXH phát triển nên phân khúc này gần như mất bóng trên thị trường. Trong năm 2019, TP.HCM không có dự án NƠXH nào được triển khai.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu NƠXH tại TP.HCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn... Thế nhưng nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Theo kết quả từ các địa phương, đến nay NƠXH chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đề ra.

Một dự án nhà ở xã hội hiếm hoi trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Bài toán khó về thủ tục và lãi vay

Có nhiều doanh nghiệp triển khai dự án NƠXH nhưng vì quy trình thủ tục vướng mắc nhiều nơi nên dự án bị “đứng hình”. Đơn cử như trường hợp Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền có dự án NƠXH Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) nhưng gần 10 năm chưa triển khai được.

“Công ty đã hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất để thực hiện. Chúng tôi rất mong được lãnh đạo TP tháo gỡ khó khăn” - Công ty Thảo Điền chia sẻ.

Một doanh nghiệp khác hiện đang vướng thủ tục đến hai dự án NƠXH là Công ty Lê Thành. Suốt ba năm qua, vì không thống nhất được giữa quy hoạch tầng cao và hệ số sử dụng đất mà dự án ở quận Bình Tân vẫn chưa qua khâu xin miễn tiền sử dụng đất. Những vướng mắc kiểu này các sở, ngành có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đều đã biết nhưng việc tháo gỡ quá chậm khiến doanh nghiệp dài cổ chờ, còn người mua nhà không có được sản phẩm.

Trước tình hình khan hiếm NƠXH, ông Lê Hoàng Châu cho biết hiệp hội đã có đề xuất gửi cơ quan quản lý cần có cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình phát triển NƠXH tại đô thị. Cụ thể, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung “Danh mục chi thực hiện chính sách NƠXH” vào Nghị quyết số 1023/2015 để có nguồn ngân sách khoảng 1.000-2.000 tỉ đồng/năm hỗ trợ thực hiện chính sách này trong giai đoạn 2015-2020.

“Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, xem xét triển khai hoạt động cấp tín dụng thương mại với lãi suất hợp lý cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua NƠXH” - ông Châu nói.

Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, ông Châu đề nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua NƠXH 3%-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp ở đô thị. Quy định thời hạn cho vay nhà tối thiểu là 20 năm và quy định ân hạn chưa phải trả nợ gốc (hoặc lãi vay) thống nhất tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng được chỉ định. Quy định khoản tiền đặt cọc thuê nhà chỉ nên bằng 1-3 tháng tiền thuê nhà để giảm bớt gánh nặng cho người thuê NƠXH.

Cần quy hoạch phát triển nhà cho người thu nhập thấp

Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần phê duyệt quy hoạch phát triển NƠXH, nhà ở thương mại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền tại các khu đô thị vệ tinh theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng. Bộ Tài chính nên hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, chỉ dành để phát triển NƠXH mà thôi.

Ngoài ra, một số chuyên gia đề nghị giao cho UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận đầu tư tất cả dự án NƠXH, vì hiện nay tất cả dự án nhà ở từ 2.500 căn trở lên, kể cả NƠXH đều phải trình Bộ Xây dựng, Chính phủ chấp thuận đầu tư. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm