Trong báo cáo mới cập nhật của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), từ đầu năm đến nay đã có 69.747 tỉ đồng được huy động qua trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, nhóm ngành bất động sản (BĐS), xây dựng, hạ tầng phát hành 19,7 ngàn tỉ đồng, chiếm 28,3%.
Treo lãi suất hấp dẫn
Theo đó, nhiều doanh nghiệp BĐS neo lãi suất ở mức cao, như Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) phát hành tổng cộng 850 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp qua ba lần với mức lãi suất lần lượt là 14,5%, 12% và 10,5%.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest và Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) cũng huy động trái phiếu với mức lãi suất 12%. Thấp hơn một chút là các doanh nghiệp BĐS như Tập đoàn FLC với mức lãi suất 11,3%, Hưng Thịnh Land 11%... Trái phiếu doanh nghiệp của nhóm doanh nghiệp BĐS này thường có tài sản đảm bảo dưới dạng quyền sử dụng đất, có thời hạn 1-10 năm, phổ biến là kỳ hạn hai năm.
“BĐS, xây dựng là nhóm ngành thường có tỉ lệ vốn vay cao, đang phải tìm đến kênh huy động vốn khác. Trong năm 2021-2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt dòng tín dụng ngân hàng cho vay BĐS, vì vậy nhóm ngành này đang phải đẩy mạnh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất cao nhất, phổ biến trên 10%/năm” - báo cáo MBS nêu rõ.
Nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ giữa nguy cơ rủi ro và phần lãi suất chênh lệch chỉ 1%-2%. Ảnh: QUANG HUY
Vì sao không an toàn?
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định: “Trái phiếu an toàn nhất là trái phiếu chính phủ, kế đến là trái phiếu đô thị (chính quyền địa phương), sau mới tới trái phiếu doanh nghiệp. Người mua trái phiếu là vì lãi suất cao nhưng nếu doanh nghiệp không có đủ uy tín, không được tổ chức độc lập đánh giá tốt thì việc đầu tư kênh này sẽ rất rủi ro”.
Theo ông Hiển, doanh nghiệp BĐS Việt Nam có tỉ lệ kết cấu nợ khá lớn. Ở Việt Nam chưa có những tổ chức xếp hạng uy tín doanh nghiệp, độ tin cậy chưa cao nên trái phiếu tồn tại hai rủi ro. Một là doanh nghiệp yếu (nợ nần) và hai là rủi ro về ngành, do BĐS là ngành theo chu kỳ tăng trưởng, lên xuống không ổn định.
“Ngoài ra, trái phiếu không có cơ chế giám sát. Ngân hàng cho vay thì còn giám sát giải ngân đúng dự án, đúng chỗ, có cán bộ tín dụng giám sát. Trái phiếu thì doanh nghiệp dùng tiền ấy vào việc gì là chuyện của họ. Nhà đầu tư cá nhân thường không có đầy đủ thông tin nên việc đánh đổi có thêm 1%-2% so với tiền gửi ngân hàng có vẻ chưa đủ hấp dẫn” - ông Hiển đánh giá.
Đồng tình, TS Ngô Trí Long thông tin có những đơn vị BĐS huy động vốn với lãi suất rất cao, lên đến 14%/năm. “Trong kinh tế, mức rủi ro càng thấp thì lãi suất càng thấp, lãi suất cao thì rủi ro cũng tỉ lệ thuận. Hiện nay đang có xu hướng doanh nghiệp thiếu vốn, không huy động bằng cách nào được thì phát hành trái phiếu với lãi cao ngất ngưởng, rất nguy hiểm cho nhà đầu tư” - ông Long nói.
Về phía người mua, nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, tư vấn: “Người mua trái phiếu cần xác định rõ mục tiêu của mình là lãi suất, quyền lợi khi mở bán dự án hay lợi nhuận khi chuyển nhượng. Cạnh đó, nếu chủ đầu tư bán trái phiếu nhằm hợp thức hóa việc nhận tiền từ khách hàng dù dự án chưa đủ điều kiện mở bán thì cần xem lại”.