Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, ngân hàng đang tận dụng tối đa lợi ích trái phiếu để kiếm nguồn tài trợ vốn đầy hấp dẫn nhưng đồng thời cũng khiến người cho vay đối diện nhiều rủi ro tiềm ẩn hay có thể mất trắng số tiền.
Ồ ạt phát hành trái phiếu
Vào quý III-2018, Thaco Group và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có cái bắt tay chiến lược để cùng phát triển lĩnh vực kinh doanh trái cây. Tuy nhiên, chính xác hơn HAGL đã phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Thaco để vay hơn 2.200 tỉ đồng. Mục tiêu của HAGL trong việc phát hành trái phiếu nhằm tái cấu trúc nợ, đầu tư mở rộng quy mô vườn trái cây.
Vào giữa năm 2018, với sự tư vấn và bảo lãnh của Công ty chứng khoán Vietcombank, Công ty Văn Phú và Công ty Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương lần lượt bán thành công 200 tỉ đồng và 500 tỉ đồng trái phiếu. Với nhu cầu vốn lớn cho đầu tư hạ tầng, Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng đã thông qua việc phát hành tối đa 1.150 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, kỳ hạn 10 năm. Bên cạnh đó là 400 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ khác, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn hai năm.
Không chỉ DN mà các ngân hàng cũng tìm đến nguồn vốn trái phiếu. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2018 với số lượng đăng ký chào bán là 400.000 trái phiếu, tương đương 4.000 tỉ đồng. Vietcombank vừa phát hành thành công hơn 550 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn sáu năm, lãi suất 7,4%/năm. VietinBank cũng có được nguồn vốn 3.000 tỉ đồng sau hai lần phát hành trái phiếu.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết phát hành trái phiếu là hình thức vay vốn nhưng thay vì vay ngân hàng vốn chịu nhiều ràng buộc các điều khoản vay chặt chẽ, sử dụng vốn theo đúng mục đích, chỉ được giải ngân theo lộ trình, chưa kể lãi suất bị thả nổi.
Vietinbank cũng có được nguồn vốn 3.000 tỉ đồng sau hai lần phát hành trái phiếu.Ảnh: HTD
Theo ông Hiển, với phát hành trái phiếu, các DN có ngay nguồn vốn lớn triển khai dự án để nắm bắt cơ hội kinh doanh, lãi suất cố định theo năm. Chưa kể với loại hình trái phiếu chuyển đổi, chuyển chứng khoán nợ thành chứng khoán vốn, DN sẽ tránh được áp lực thanh toán các khoản trái phiếu tới hạn.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc ngân hàng trong thời gian gần đây ồ ạt huy động vốn bằng trái phiếu thay vì tiền gửi, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng nguyên nhân thứ nhất là theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ rút xuống từ 45% hiện nay xuống còn 40% vào đầu năm 2019. Vì 5% chênh lệch là con số rất lớn nên các ngân hàng phải tìm đến vốn từ trái phiếu cơ cấu lại nguồn vốn huy động để huy động nhiều hơn vốn trung và dài hạn.
“Nguyên nhân thứ hai sở dĩ ngân hàng phát hành trái phiếu vì trong trái phiếu đó có những loại trái phiếu chuyển đổi, sau thời gian chuyển thành cổ phiếu thì trái phiếu đó được tính như là vốn cấp 2 của ngân hàng. Mà vốn cấp 2 làm tăng tỉ lệ an toàn vốn” - TS Hiếu phân tích.
Đánh đổi và rủi ro
Không đơn giản là bán trái phiếu thành công, các đại gia cũng phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ. Như HAGL, số lượng trái phiếu này sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu và Thaco trở thành cổ đông lớn tại HAGL. Công ty của bầu Đức cũng phải nhượng lại dự án bất động sản đầu tư tại Myanmar cho Thaco và chấp nhận cho người Thaco vào ban điều hành công ty.
Bình luận về việc đánh đổi trên, một chuyên gia cho rằng DN buộc phải nhượng bộ nhiều điều khoản để thu hút người mua vì trái phiếu được mua để nắm giữ thời gian dài nên khó lường trước được các cú sốc kinh doanh. Chưa kể DN phải đưa lãi suất trái phiếu cao so với lãi suất cho vay ngân hàng nên chi phí tài chính sẽ đội lên đáng kể. Do đó cũng chỉ có một số DN có thương hiệu tốt thì mới nghĩ đến việc huy động vốn qua kênh này.
Người bán và người mua trái phiếu đều có những rủi ro nhưng do thị trường trái phiếu Việt Nam chưa phát triển mạnh nên người mua dễ rơi vào tình cảnh nuốt trái đắng. TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết người mua trái phiếu dễ gặp rủi ro hơn người bán vì thời gian nắm giữ lâu nên khó theo sát tình hình kinh doanh của DN để có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng. Chưa kể trái phiếu có đặc tính khi lãi suất trên thị trường tăng cao thì giá bán trái phiếu sẽ giảm, hay nói cách khác tỉ lệ chiết khấu cao và tính thanh khoản trái phiếu cũng khá thấp nên nhà đầu tư dễ bị đọng vốn.
Để hạn chế rủi ro, TS Vương Quân Hoàng, chuyên gia kinh tế, cho rằng nhà đầu tư cần sử dụng thông tin tín dụng từ các nguồn tin cậy để quyết định đầu tư vào trái phiếu. Bên cạnh đó cũng cần bám sát rất kỹ thông tin phát hành cùng với sự vận hành của DN để chọn thời điểm bán hay tiếp tục nắm giữ trái phiếu.
“Nếu đầu tư lớn, rất cần có phương án phòng ngừa, ví dụ sử dụng tư vấn để bảo hiểm bằng cách tái tạo nguồn tiền theo các cách khác nhau và tính được phương án lỗ tối ưu trong trường hợp xấu, căn theo nhu cầu sử dụng vốn” - TS Hoàng nói.
Chặn lách luật bán trái phiếu không cần công bố Theo một chuyên gia, điều đáng lo ngại nhất với trái phiếu DN chính là phương thức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Loại hình này cho phép phát hành dưới 100 nhà đầu tư và không cần công bố thông tin đại chúng. Bằng việc đi đường vòng này, không chịu nhiều giám sát cơ quan quản lý nhà nước, không cần phơi mình ra kỹ lưỡng trước công chúng, DN lách luật vẫn dễ dàng huy động vốn nhưng nhà đầu tư chịu thiệt. Vì vậy, từ tháng 2-2019, Nghị định 163/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu DN có hiệu lực sẽ có những quy định buộc các DN phát hành trái phiếu phải công khai thông tin, bất kể DN phát hành có phải là công ty niêm yết hay công ty đại chúng hay không. Việc công bố thông tin sẽ thực hiện qua sở giao dịch chứng khoán. |