Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã hoãn phiên xử ly hôn giữa ông PVK (70 tuổi, Việt kiều Pháp, hiện tạm trú tại Chợ Gạo, Tiền Giang) với bà PTM (ngụ Gò Công Đông, Tiền Giang).
Ông cương quyết ly hôn, bà muốn sum họp
Tháng 5-2014, ông K. nộp đơn xin ly hôn tại TAND tỉnh Tiền Giang. Trong đơn, ông trình bày ông cùng bà M. thành vợ thành chồng từ năm 1967 nhưng không đăng ký kết hôn. Thời gian đầu hai ông bà chung sống rất hạnh phúc nhưng đến tháng 11-1985 cả hai bắt đầu bất đồng ý kiến, dẫn đến mâu thuẫn, thường xuyên cãi nhau.
Một năm sau đó, ông sang Pháp định cư, mãi đến năm 1993 ông mới về Việt Nam thăm nhà với mục đích hàn gắn tình cảm với bà nhưng không thành. Ông nói cả hai đã ly thân từ năm 2001 đến nay, mỗi người sống một nơi, không còn quan tâm nhau. Lấy lý do kéo dài hôn nhân chỉ làm khổ hai bên nên ông xin ly hôn.
Ông K. cũng cho biết năm người con chung của hai ông bà đã trưởng thành, có công việc, thu nhập ổn định nên không đặt ra yêu cầu cấp dưỡng. Cụ thể, con lớn nhất nay đã 44 tuổi, nhỏ nhất cũng đã 28 tuổi. Nợ nần, tài sản chung cũng không có.
Bị đơn - bà M. thì trình bày: “Năm 1986, khi sinh đứa con út còn non ngày, ông K. gom hết tài sản vượt biên, để tôi và năm con nhỏ ở lại. Mấy năm sau ông có ghé về nước thăm nhà qua loa rồi đi mà không hề cấp dưỡng nuôi con. Thời gian sau này ông cũng về nước nhiều lần nhưng không về thăm vợ con mà có quan hệ tình cảm với phụ nữ khác”.
Bà M. cho rằng ông K. ly hôn là để sống với người khác nên bà không đồng ý. Bà muốn ông K. trở về sum họp gia đình, cùng giáo dục các con vì các con cũng muốn có cha. Thực tế là bà vẫn đợi chồng, dù bị bệnh nhưng vẫn cố làm lụng để nuôi con bấy lâu. Bà yêu cầu ông K. phải có trách nhiệm trợ cấp nuôi bà mỗi tháng vì hiện bà đang bị bệnh tiểu đường.
Đòi chia “chiếc ghe dĩ vãng”
Về tài sản, bà M. cho rằng trước đây vợ chồng bà có mua chiếc ghe với giá 100 lượng vàng 24K. Chính ông K. đã lấy chiếc ghe này để vượt biên. Theo bà, đó là tài sản của bà nên bà yêu cầu tòa buộc ông K. phải hoàn trả vì lúc ông lấy ghe đi, ở nhà bà phải bỏ tiền ra trả hết khoản nợ mua ghe này.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông K. Tòa nhận định quan hệ hôn nhân này không thể duy trì vì đã ly thân từ năm 2001 đến nay, không còn liên lạc, mục đích hôn nhân không đạt, không hạnh phúc.
Theo tòa, hai bên thống nhất có chiếc ghe cào ông K. lấy đi từ năm 1986 hiện không còn nữa. Theo ông K. thì giá trị của chiếc ghe trên chỉ khoảng ba lượng vàng 24K, còn bà M. thì nói giá trị đến 100 lượng vàng. “Như vậy, ông K. đã lấy đi tài sản chung và làm thất lạc nên có trách nhiệm giao trả lại cho bà M. phân nửa giá trị dựa trên nguyên tắc tài sản chung vợ chồng được chia đôi. Do ghe không còn nên không thể định giá trị được, bà M. thì không xác định được nên cần áp dụng giá trị lúc chiếc ghe thời điểm phát sinh tài sản chung như ông K. xác định là ba lượng vàng 24K” - tòa lập luận. Từ đó, tòa buộc ông K. phải trả lại cho bà M. 1,5 lượng vàng 24K và cấp dưỡng mỗi tháng 500.000 đồng cho bà M.
Bà nói 100 lượng vàng, ông nói chỉ một lượng
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo. Ông K. nói: “Tôi già yếu, thường xuyên bị bệnh, không có việc làm bên Pháp, sống chủ yếu dựa vào con cái thì làm sao có tiền cấp dưỡng cho cô M. Mặt khác, ở Việt Nam, cô M. có nhà ở ổn định, không khó khăn về kinh tế và cũng được nhiều người con chăm lo”. Ngược lại, bà M. yêu cầu cấp phúc thẩm không đồng ý cho ly hôn và nâng mức cấp dưỡng lên 5 triệu đồng/tháng.
Căng thẳng nhất là giá trị chiếc ghe. Bà M. cho rằng nó trị giá cả 100 lượng vàng như bà đã khai trước đó. Theo bà, chiếc ghe cào giá ba lượng vàng thì không thể sử dụng đi biển được.
Trong khi đó, ông K. lại tiếp tục hạ giá chiếc ghe trên. Ông nói: “Đúng là lúc vượt biên sang Pháp có lấy chiếc ghe này làm phương tiện nhưng lúc đó ghe đã cũ nát, giá trị chỉ khoảng một lượng vàng. Và khi qua tới Pháp thì chiếc ghe này phải bỏ. Trong thời gian định cư ở Pháp, nhiều lần tôi gửi tiền về chăm lo cho cô M. và các con tôi ở Việt Nam. Tôi còn bảo lãnh con sang Pháp học hành đàng hoàng. Hiện cô M. đang quản lý các phần tài sản chung của tôi và cô ấy do tôi bỏ tiền về mua là rất lớn”...
Chiếc ghe mà bên bị đơn đòi chia đã không còn nữa, vậy tòa phải định giá ra sao và phân chia thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi tòa xử phúc thẩm vụ kiện.
Xác định giá trị tài sản không còn tồn tại ra sao? Nếu hai bên có thể ngồi lại với nhau để thỏa thuận được giá trị của tài sản (là chiếc ghe) thì quá tốt. Nhưng nếu thỏa thuận không được, tòa phải là người đưa ra quyết định dựa trên cách tính giá trị phù hợp. Vì tài sản này ở thời điểm cách đây khá lâu nên tòa cũng cần lưu ý đến các cách tính đơn vị giá trị lúc đó, chẳng hạn như bằng gạo hay vàng... Đồng thời, tòa phải tìm được điểm chung của các chi tiết về chiếc ghe để giao cho hội đồng định giá làm trọng tài trong việc xác định giá trị ghe đó. Dựa trên các yếu tố như trọng tải bao nhiêu, vật liệu gì, công suất máy thế nào..., hội đồng định giá vẫn có thể xác định được giá trị tài sản dù tài sản này không còn tồn tại. Luật sư LÊ THÀNH KÍNH, Đoàn Luật sư TP.HCM |